QĐND Online – Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã kết thúc thắng lợi với Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đánh giá về tầm vóc, ý nghĩa và nguyên nhân thắng lợi của sự kiện lịch sử vĩ đại đó đã có nhiều chính trị gia, nhà khoa học, học giả trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung đi sâu phân tích yếu tố “nhân hòa” - một trong những yếu tố quyết định sự thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đã đặc biệt chú trọng đến việc giữ cho vua - tôi hòa mục, cả nước chung lòng, "tướng sĩ một lòng phụ tử" là nội dung căn bản của kế sách giữ nước. Kế thừa kế sách giữ nước của các bậc tiền bối cùng thực tiễn của cuộc chiến tranh nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên tư tưởng nhân hòa dưới cách nhìn nhận và suy nghĩ mới. Theo Người, nhân hòa được hiểu là sự đồng lòng đánh giặc, cứu nước của cả dân tộc; đồng thời là sự đồng lòng cổ vũ cuộc chiến tranh chính nghĩa của các dân tộc trên thế giới về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Trong bài viết “Chiến đấu vì chính nghĩa” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 6-12-1946, Hồ Chí Minh đã nêu lên điều kiện và vai trò của yếu tố nhân hòa trong cuộc kháng chiến: “Trong hai phe giao chiến, phe nào có đầy đủ điều kiện nhân hòa là phe ấy thắng. Chỉ phe nào vì chính nghĩa mà chiến đấu, phe ấy mới có đủ điều kiện nhân hòa”. (1)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam là cuộc chiến tranh nhân dân điển hình. Đây là cuộc đối đầu lịch sử giữa một dân tộc nhỏ bé về tầm vóc nhưng có sức mạnh về ý chí, lòng quyết tâm của cả một dân tộc với một cường quốc có tiềm lực kinh tế hùng mạnh, quân sự hiện đại, khoa học và công nghệ lớn gấp nhiều lần, đó là đế quốc Mỹ. Với tham vọng chặn đứng chủ nghĩa cộng sản, xây dựng “pháo đài tự do” ở Đông Nam Á, quá trình tham chiến tại Việt Nam, Mỹ đã huy động và sử dụng mọi vũ khí hiện đại, tối tân nhất, đồng thời thực hiện “đánh bằng tất cả sức mạnh, đánh bất cứ mục tiêu nào” nhằm tìm kiếm chiến thắng. Trước sức mạnh tàn bạo ấy, bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng, Việt Nam đã tập trung hết tinh thần của từng cá nhân và toàn dân tộc hướng vào mục tiêu chính là giành độc lập dân tộc. Với tính chất chính nghĩa, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã huy động được tất cả mọi lực lượng, thành phần, giai cấp, không phân biệt già, trẻ, trai, gái, tôn giáo, tầng lớp, nơi cư trú… đoàn kết lại “thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”. Sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sức mạnh tổng hợp góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Lực lượng vũ trang và nhân dân Sài Gòn chào mừng Quân Giải phóng tiến vào thành phố. Ảnh tư liệu

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, nhân dân hai miền đồng lòng chuẩn bị tiến hành tổng tiến công với khí thế sục sôi và ý chí quyết chiến, quyết thắng. Lúc này, hậu phương miền Bắc đã huy động lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam với mức cao nhất. Nhờ sự chi viện kịp thời và liên tục của miền Bắc với tinh thần “quân no, lương thực, vũ khí trang bị đầy đủ, tinh thần phấn chấn, khí thế cao” nên sau thắng lợi ở Buôn Ma Thuột, quân ta đã nhanh chóng tấn công địch ở đường số 7 và giải phóng các tỉnh Tây Nguyên. Sau Chiến dịch Tây Nguyên, ta đã nhanh chóng tiến đến giải phóng Huế - Đà Nẵng để cuối cùng mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, trận quyết chiến cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trên chiến trường miền Nam, khắp các tỉnh, thành phố, tinh thần dân tộc được phát huy cao độ và mạnh mẽ nhất. Nhân dân miền Nam đã hết lòng đùm bọc, yêu thương, cưu mang Quân Giải phóng; tổ chức đào hầm bí mật để bảo vệ cán bộ, cất giấu vũ khí, cùng bộ đội vận động, thức tỉnh ngụy quân không đi càn. Đặc biệt, để huy động lực lượng đến mức cao nhất, hàng triệu cán bộ được điều động để tăng cường cho thành phố Sài Gòn - Gia Định. Riêng ở Quân khu 9, trong nửa đầu tháng 4-1975 đã có hơn 9000 thanh niên gia nhập quân đội, đưa tổng số tiểu đoàn quân chủ lực của quân khu từ 14 lên 23 tiểu đoàn. Quân khu 8 tuyển hơn 5000 thanh niên, thành lập thêm 7 tiểu đoàn chủ lực. Nhiều tỉnh phát triển từ 3 lên 6 tiểu đoàn. Lực lượng khởi nghĩa được tổ chức thành đại đội, tiểu đoàn với số lượng hơn 10.000 nam, nữ thanh niên… Chính sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân là động lực mạnh mẽ thôi thúc ý chí quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, yếu tố nhân hòa còn là sự đồng lòng, thống nhất ý chí trong nội bộ Đảng, Bộ Chính trị và Bộ Tổng tư lệnh.

 Nhận thấy sự chín muồi về thời cơ của cuộc kháng chiến, với sự phá sản của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” là dấu hiệu cho thấy thế và lực của đế quốc Mỹ đã suy yếu nghiêm trọng. Vấn đề đặt ra lúc này là ta có quyết tâm tổng tiến công và giành thắng lợi trong cuộc quyết chiến hay không? Có người muốn hạn chế thắng lợi của nhân dân ta, khuyên ta giữ nguyên hiện trạng rồi lập chính phủ liên hiệp với ngụy quyền Sài Gòn. Có người lo ngại nếu ta đánh mạnh thì Mỹ sẽ quay trở lại... Trước thời điểm đó, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị với bản lĩnh vững vàng và trí tuệ sắc sảo đã đánh giá: Vào thời điểm này, việc Mỹ quay trở lại là điều không thể và nếu Mỹ có quay trở lại cũng không thể cứu vãn nổi tình thế bại trận. Cùng với đó là sự phát triển của phong trào kháng chiến toàn dân, sự trưởng thành của LLVT cách mạng nên ta có đủ điều kiện để mở cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhận định và quyết tâm đó được sự đồng ý, đồng tâm và đồng lòng trong toàn Đảng và Bộ Chính trị. Theo đó, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định nổ súng tấn công vào thời điểm mà địch hoàn toàn bất ngờ.

Sự nhạy bén, thống nhất ý chí, hành động của Trung ương Đảng và Bộ tư lệnh còn được thể hiện trong việc điều chỉnh kịp thời kế hoạch thời gian giải phóng miền Nam. Từ chủ trương giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, căn cứ vào thế và lực trên chiến trường cùng nhiều thời cơ thuận lợi xuất hiện đã đồng nhất quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Với phương châm chỉ đạo tác chiến “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, chúng ta đã nhanh chóng tiến công giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng rất vẻ vang của dân tộc ta.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 còn là kết quả của sự thống nhất ý chí, hành động của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, một quân đội anh hùng được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng, rèn luyện trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại.

Nhận thấy thế và lực mới trên chiến trường, Quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương đã nhanh chóng đưa ra chiến lược quân sự hợp lý. Trên cơ sở phân tích điểm yếu của địch, Quân đội ta đã đưa ra một chiến lược quân sự vừa có thế xen kẽ, vừa có thế đánh hiểm. Bằng hoạt động tác chiến, ta đã lừa địch và kìm giữ chúng ở hai đầu chiến tuyến là Sài Gòn và Huế - Đà Nẵng. Lúc này buộc địch phải sơ hở ở khu vực Tây Nguyên, tạo điều kiện cho ta chọn hướng tiến công chiến lược. Sự phối hợp nhịp nhàng trên các chiến trường đã nhanh chóng làm cho địch hoang mang. Khi chiến trường Tây Nguyên trên đà phát triển và lan rộng ra các tỉnh duyên hải miền Trung, bộ đội ta tiến hành tổ chức tiến công gối đầu bằng Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21 đến 29-3-1975). Tiếp đó, với thế tiến công đồng loạt, Quân đội ta tổ chức năm mũi tấn công với các binh đoàn chủ lực tiến sâu và tiến hành mở Chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến chiến lược cuối cùng và nhanh chóng giành thắng lợi.

Yếu tố nhân hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói riêng đó còn là sự hợp lưu ý chí của dân tộc với lương tri của nhân loại yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý và tiến bộ xã hội.

Cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam tiến hành chống đế quốc Mỹ là cuộc đọ sức điển hình và quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Mục tiêu của cuộc chiến này là “không chỉ giành những quyền lợi dân tộc thiêng liêng của mình mà còn bảo vệ toàn phe xã hội chủ nghĩa, góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới”(2). Chính vì vị trí của cuộc kháng chiến và đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, nhân dân ta ngày càng nhận được sự đồng tỉnh ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Sự đồng lòng của nhân dân thế giới cùng với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được thể hiện thông qua việc cổ vũ chính trị, tinh thần, giúp đỡ về vật chất, từ việc lên án, tố cáo hành động xâm lược của đế quốc Mỹ đến những hành động ngăn chặn âm mưu xâm lược của chúng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã có hơn 100 nước ủng hộ nhân dân Việt Nam chống xâm lược, viện trợ quốc tế cho Việt Nam khoảng 111.346 tấn hàng hóa các loại; 1.261.336 tấn vũ khí, khí tài, vật tư, trị giá thành tiền khoảng 7 tỷ rúp. Phong trào xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ cũng diễn ra khắp thế giới. Ngay tại trung tâm nước Mỹ đã có 200 trường đại học có phong trào phản đối cuộc chiến tranh, hàng vạn thanh niên Mỹ đốt thẻ quân dịch. Và đỉnh cao của sự ủng hộ của nhân dân thế giới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc đấu tranh của hàng triệu nam, nữ thanh niên thế giới bày tỏ nguyện vọng đến Việt Nam trực tiếp tham gia cầm súng đánh Mỹ.
Bên cạnh đó là sự đồng lòng của nhân dân Lào và Cam-pu-chia. Sức mạnh của khối đoàn kết ba nước Đông Dương trở thành một sức mạnh khổng lồ và nó trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, cuộc tổng tiến công và nổi dậy nói riêng.

hư vậy, yếu tố nhân hòa trong Đại thắng mùa Xuân 1975 là kết quả của sự thống nhất cao độ giữa ý Đảng với lòng dân, của khối đại đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đó còn là sự kết hợp cao độ ý chí dân tộc với lương tri, tình cảm của nhân loại yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý và tiến bộ xã hội. Yếu tố nhân hòa đó được khởi nguồn, bắt rễ từ chiều sâu lịch sử văn hóa dựng nước và giữ nước của dân tộc, bắt nhịp xu thế phát triển của nhân loại được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công xây đắp, tạo nên điều kiện tiên quyết cho Đại thắng mùa Xuân 1975.

Thạc sĩ  NGUYỄN THỊ DUNG HUYỀN, Viện Sử học

(1). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr.463
(2). Lê Duẩn - Bài nói chuyện với Bộ đội Phòng không 29-8-1965, Tạp chí Quân đội nhân dân - tháng 12-1966, tr.6