* Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam:
Tạo chuyển biến mới về công tác dân số và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Tôi cũng như nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng rất phấn khởi, tin tưởng trước những quyết nghị của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII. Nhiều vấn đề cấp bách, quan trọng, có ý nghĩa sống còn được Trung ương bàn thảo kỹ lưỡng và nhất trí thông qua. Đặc biệt, những quyết nghị của Hội nghị Trung ương 6 liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số là định hướng chỉ đạo hết sức quan trọng để các cấp hội phụ nữ trong cả nước thực hiện tốt hơn việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam.
Về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội phải chủ động, tích cực vào cuộc; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào toàn dân tham gia rèn luyện thân thể; cải thiện điều kiện sống, lối sống và làm việc; bảo vệ môi trường sinh thái và vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, sinh hoạt điều độ, lành mạnh…”. Đây cũng là một trong những nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã đề ra với nhiều giải pháp, như: Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn phụ nữ chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn; chú trọng chăm sóc dinh dưỡng và phát triển toàn diện cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái… góp phần xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện cả về thể chất, đạo đức, trí tuệ.
Với quan điểm đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững, nghị quyết về dân số trong tình hình mới được thông qua lần này thể hiện sự quyết tâm giải quyết đồng bộ, toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số. Phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện chính sách dân số, nên từ nhiều năm qua, các cấp hội phụ nữ đã đồng hành với ngành dân số và y tế trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phát động Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong đó có tiêu chí “Gia đình không có người vi phạm chính sách dân số” và “Gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học”. Việc thực hiện hai tiêu chí này là hoạt động thiết thực để phụ nữ tham gia nâng cao chất lượng dân số cùng với tăng cường các hoạt động nhằm giải quyết một số vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ…
Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ sớm tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã thông qua vào chương trình hoạt động của Hội LHPN các cấp.
* PGS, TS Phạm Thế Anh, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội):
Quyết liệt tinh giản biên chế để giảm chi thường xuyên
Bội chi ngân sách Nhà nước tiếp tục duy trì ở mức thấp trong 3 quý đầu năm 2017, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chi dành cho đầu tư phát triển vẫn duy trì ở mức thấp, chi thường xuyên đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong chi ngân sách.
PGS, TS Phạm Thế Anh, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội).
Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, tổng chi ngân sách Nhà nước tính đến ngày 15-9 ước đạt 851,5 nghìn tỷ đồng; bằng 61,2% dự toán; trong đó, chi dành cho đầu tư phát triển tiếp tục duy trì ở mức thấp, ước tính đạt 153 nghìn tỷ đồng, tương đương với 42,8% dự toán năm và chỉ chiếm 18% tổng chi. Trong đó, phần lớn tổng chi (khoảng 73%) vẫn là dành cho chi thường xuyên, với 623 nghìn tỷ đồng, đạt 69,5% so với dự toán.
Thực tế trên cho thấy, chi thường xuyên của chúng ta vẫn còn quá cao, trong đó, chủ yếu chi cho bộ máy hành chính. Những năm qua và hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước của chúng ta đang phải “nuôi” hàng triệu người hưởng lương từ ngân sách, kể cả các cơ quan đoàn thể, các hoạt động, các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao… Do vậy, để giảm chi thường xuyên, không có cách nào khác là cần phải làm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường kiểm soát nguồn chi. Cần công khai minh bạch hơn nữa trong việc chi tiêu ngân sách. Việc cải thiện cơ cấu chi tiêu theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên là một trong những biện pháp quan trọng để tăng đầu tư cho phát triển, giảm nợ công, góp phần đưa nền kinh tế phát triển bền nhanh hơn, bền vững hơn.
Hội nghị Trung ương 6, khóa XII vừa bế mạc, đã bàn và quyết nghị các chủ trương, giải pháp tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cho thấy vấn đề tinh gọn bộ máy đang đặt ra rất cấp thiết. Nếu chúng ta không làm quyết liệt việc tinh giản biên chế, làm cho bộ máy quản lý hành chính Nhà nước bớt cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc…, thì không có nguồn thu nào đáp ứng mãi được cho bộ máy quá lớn như hiện nay và sẽ không còn nguồn lực để đầu tư cho phát triển.
* Đại tá Nguyễn Nam Tiến, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hải Dương:
Nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ cơ sở
Qua theo dõi hội nghị và nghiên cứu bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng ủy Quân sự tỉnh nhất trí cao với nhận định, đánh giá của Trung ương, trong đó có nội dung về công tác cán bộ, về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Đại tá Nguyễn Nam Tiến, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hải Dương.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, gắn với tinh giản bộ máy, đổi mới công tác cán bộ, đổi mới phong cách, tác phong công tác... theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, thì vai trò của cấp ủy các cấp và người đứng đầu là hết sức quan trọng; cần nhanh chóng xây dựng chương trình hành động với phương châm “trên trước, dưới sau”.
Những năm qua và năm 2017, Đảng ủy Quân sự tỉnh Hải Dương cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung nâng cao chất lượng cán bộ ở cơ sở. Từ năm 2010 đến nay, bằng nguồn ngân sách của tỉnh, Trường Quân sự tỉnh đã đào tạo 454 cán bộ có trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở và được cấp bằng trung cấp lý luận chính trị hành chính. Quá trình công tác, nhiều đồng chí đã phát huy năng lực, phát triển lên các chức danh: Bí thư, phó bí thư thường trực; chủ tịch, phó chủ tịch UBND, HĐND cấp xã. Lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) trên địa bàn tỉnh được xây dựng với phương châm “số lượng hợp lý, chất lượng cao”; lực lượng dự bị động viên được biên chế, sắp xếp đủ 100% chỉ tiêu cho các đầu mối đơn vị và từng bước nâng cao tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự. Toàn tỉnh đang duy trì hoạt động 529 đầu mối cơ sở DQTV; coi trọng làm tốt việc tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngay sau Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương đẩy mạnh học tập, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng lực lượng DQTV tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu quả, phù hợp với tổ chức hành chính trên từng địa bàn dân cư và các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh, có thành phần và tỷ lệ hợp lý.
Cùng với tạo nguồn, quy hoạch, đưa đi đào tạo cán bộ quân sự cấp xã theo các chương trình quy định, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp đẩy mạnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, nhất là năng lực quản lý, huấn luyện và chỉ huy thực hiện nhiệm vụ.
Cơ quan chức năng các cấp cần nghiên cứu mô hình thôn (khu) đội trưởng kiêm nhiệm bí thư chi đoàn, hoặc trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư. Nếu thực hiện mô hình này, trên địa bàn tỉnh Hải Dương sẽ tinh giản được gần 1.500 người hưởng lương, phụ cấp. Cùng với đó, cần quan tâm hơn nữa việc lựa chọn đối tượng đoàn viên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự để đào tạo, bồi dưỡng phát triển Đảng, tạo nguồn kế cận, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và LLVT địa phương vững mạnh.
* Ông Cáp Trọng Thành, phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng:
Cán bộ mặt trận càng phải trọng dân, gần dân
Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã bàn và quyết nghị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (HTCT) tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả..., thể hiện quyết tâm cao và quyết sách đúng đắn của Đảng ta. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, việc đổi mới HTCT là hết sức quan trọng và cần thiết. Đối với Mặt trận Tổ quốc có tổ chức bộ máy bốn cấp hoàn chỉnh; ở cấp xã, phường có các ban công tác mặt trận tại các thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố. Đó là hệ thống liên kết hành động, thống nhất cả nước, nhịp nhàng giữa các địa phương, giữa các vùng, miền, các tầng lớp nhân dân.
Ông Cáp Trọng Thành, phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, theo tôi, mặt trận phải hướng về từng đối tượng cụ thể, có nội dung, phương thức vận động phù hợp hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Cán bộ mặt trận ở cấp nào cũng phải tránh xa quan liêu, luôn quán triệt và thể hiện phong cách trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân. Cán bộ phải sâu sát, lắng nghe, thấu hiểu những điều mà người dân đang băn khoăn, bức xúc; có bản lĩnh nói lên tiếng nói trung thực, những kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Hiện nay, cần phải tăng cường phát huy tính tự quản của cộng đồng dân cư, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động. Đó là những cách làm năng động, hiệu quả. Cán bộ mặt trận cơ sở phải thường xuyên giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ, điều gì là nhiệm vụ, là lợi ích, thì cần phải hăng hái làm cho kỳ được. Khi ý thức làm chủ được nâng cao thì tính tự quản sẽ được phát huy. Cơ sở chính là địa bàn hoạt động, mặt trận phải luôn hướng về cơ sở, phục vụ cơ sở; đó vừa là chủ trương, vừa là phương thức hoạt động. Vận động quần chúng nhân dân là trách nhiệm của cả HTCT. Công tác mặt trận là xã hội hóa, nhưng nếu không có cách làm phù hợp sẽ rơi vào quan liêu, hình thức chủ nghĩa, kém hiệu quả. Thực tiễn đã chỉ rõ 5 bước công tác dân vận, cần phải học tập và phát huy, đó là: Nắm chắc tình hình, gần gũi giác ngộ, tổ chức lực lượng, triển khai nhiệm vụ, đánh giá hiệu quả. Trong điều kiện mới, có thuận lợi, nhưng không ít khó khăn, vì vậy, mặt trận cần phải phát huy vị trí, vai trò của mình thông qua các hoạt động thực tiễn, phải đổi mới mạnh mẽ về nội dung và phương thức hoạt động để thu hút ngày càng nhiều lực lượng xã hội tham gia công tác mặt trận…