1. Yêu cầu khách quan, cấp bách của đời sống

Bước vào năm 2016, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo đã trải qua 30 năm. Trong ba thập niên đó, Đảng đã kiên định, sáng tạo vận dụng, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta, xây dựng và lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện thành công đường lối đổi mới giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đường lối đổi mới hình thành, phát triển là một quá trình Đảng ta không ngừng tìm tòi, thử nghiệm, đấu tranh giữa cái mới với cái cũ, kết hợp tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận (NCLL); khắc phục từng bước những yếu kém, khuyết điểm, tư tưởng giáo điều, bảo thủ hoặc cực đoan, duy ý chí để đi đến cái đúng, đến chân lý.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN. 
Qua 30 năm đổi mới, với sáu nhiệm kỳ Đại hội Đảng, hai lần ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước, Đảng ta đã hình thành, từng bước hoàn thiện tư duy, nhận thức lý luận về CNXH đổi mới, về con đường đi lên CNXH ở nước ta trong bối cảnh thế giới đương đại có nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường. Đường lối đổi mới của Đảng qua 30 năm là đúng đắn, sáng tạo, từng bước được bổ sung, phát triển và phát huy hiệu quả trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu của đất nước có phần đóng góp tích cực, quan trọng của công tác NCLL.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, công tác NCLL, tổng kết thực tiễn cũng còn nhiều yếu kém. Đồng thời, lý luận chưa thường xuyên gắn kết chặt chẽ với thực tiễn, với định hướng xây dựng chính sách và chậm được chuyển tải vào đường lối, chủ trương, do vậy vai trò, tác động đối với thực tiễn đời sống còn hạn hẹp...

Khi công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu càng nảy sinh nhiều vấn đề mới, bộc lộ những mâu thuẫn, thời cơ và thách thức mới đòi hỏi Đảng ta, nhân dân ta phải nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển, bảo vệ đất nước. Hơn bao giờ hết, cuộc sống đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, tạo bước đột phá về lý luận và chính sách, tạo tiền đề cho sự phát triển trong thực tiễn; cần tập trung nghiên cứu, tổng kết, dự báo chính xác những vấn đề mới đang nảy sinh từ thực tiễn đất nước, thế giới; đề xuất căn cứ khoa học vững chắc để điều chỉnh, bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, giải quyết đúng và trúng những yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới căn bản công tác NCLL chính là đòi hỏi khách quan, là mệnh lệnh của cuộc sống.

2. Bắt đầu từ thực tiễn, gắn bó mật thiết với thực tiễn và trở về với thực tiễn - cốt lõi của đổi mới công tác NCLL

Nhìn từ bản chất, lý luận là sự khái quát khoa học quá trình vận động của thực tiễn, phát hiện và phản ánh quy luật phát triển của thực tiễn thông qua hệ thống phạm trù, khái niệm. Như vậy, lý luận chỉ thật sự có giá trị khoa học, thật sự có sức sống khi bắt nguồn và gắn bó mật thiết với thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dạy: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”. Người cũng chỉ rõ: “... lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động”.

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo được bắt đầu từ đổi mới tư duy lý luận trên cơ sở đúc kết bài học sâu sắc về sự gắn bó giữa lý luận với thực tiễn. Đường lối đổi mới của Đảng hình thành, phát triển là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam. Đồng thời, trực tiếp và quan trọng hàng đầu là Đảng đặc biệt chú trọng phân tích, đánh giá, tổng kết thực tiễn đất nước; phát hiện những mâu thuẫn, những điểm nghẽn cản trở sự phát triển; trân trọng tiếp thu những sáng kiến, tìm tòi, sáng tạo của nhân dân từ cơ sở... để đúc kết, nâng lên thành lý luận đổi mới. Chính nhờ xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn mà Đảng đã có những đột phá về lý luận, mở đường đưa sự nghiệp đổi mới phát triển thắng lợi. Tuy nhiên, công tác NCLL, tổng kết thực tiễn còn bất cập, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn diễn biến nhanh chóng, phức tạp; chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đặt ra, tiến hành thí điểm nhiều, nhưng chậm tổng kết thành lý luận, chưa làm tốt chức năng định hướng cho hoạt động thực tiễn.

Bước sâu vào kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng sôi động, xuất hiện nhiều tình huống mới, trạng thái mới, đa chiều, đa cạnh, trong khi phương thức tiếp cận, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, về cơ bản vẫn là tiếp cận qua báo cáo, tổng kết qua hội thảo, hội nghị; khảo sát hời hợt, nửa vời..., do vậy thiếu vắng những kết luận có tầm khái quát lý luận, có sức thuyết phục để chuyển hóa thành chủ trương, chính sách. Chưa có cơ chế gắn kết thường xuyên, chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức và những người làm công tác NCLL với cơ quan, tổ chức và những người hoạt động thực tiễn. Phần nhiều cán bộ NCLL ít hiểu biết thực tiễn, chưa thường xuyên gắn bó với thực tiễn; số đông cán bộ hoạt động thực tiễn ít có thời gian và chưa thật sự quan tâm NCLL.

Đại hội XII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của tổng kết thực tiễn. Theo đó, văn kiện Đại hội XII đã đặt cụm từ "tổng kết thực tiễn" lên trước cụm từ "NCLL". Đây không đơn thuần là sự thay đổi thứ tự câu chữ mà là sự điều chỉnh nhận thức với hàm ý: Phải đặt nhiệm vụ tổng kết thực tiễn lên trên hết, trước hết, xem đó là cơ sở quan trọng nhất của NCLL. Phải đổi mới căn bản phương thức tổng kết thực tiễn theo tinh thần: Phát hiện, lựa chọn một số mô hình, nhân tố mới xuất hiện trong thực tiễn; một số vấn đề quan trọng trong đường lối, chủ trương của Đảng đang được tổ chức thí điểm hoặc đang gặp khó khăn, ách tắc khi triển khai thực hiện; một số vấn đề bức xúc xã hội đang được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm... tập trung khảo sát, phân tích, đánh giá, tổng kết sâu, toàn diện, hệ thống để rút ra những kết luận ở tầm lý luận, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách. Cần chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác lý luận, hoạt động thực tiễn theo hướng: Tăng cường bồi dưỡng tri thức, kinh nghiệm thực tiễn và thực hiện chế độ luân chuyển định kỳ có thời hạn, đưa cán bộ NCLL về hoạt động thực tiễn ở địa phương, cơ sở; thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật tri thức lý luận đối với cán bộ hoạt động thực tiễn...

3. Thường xuyên cập nhật, làm giàu tri thức khoa học - cơ sở quan trọng để đổi mới, nâng cao chất lượng NCLL

Đồng thời với những tri thức đúc kết từ thực tiễn, lý luận chỉ có thể phát triển không ngừng, không có giới hạn, không có điểm dừng khi thường xuyên tự làm giàu bằng việc cập nhật, bổ sung những nguồn tri thức mới của nhân loại, của dân tộc. Đảng ta khẳng định lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng chính vì đây là học thuyết, tư tưởng cách mạng, khoa học không chỉ đúc kết kinh nghiệm phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động toàn thế giới và phong trào cách mạng Việt Nam mà còn là sự kế thừa, phát triển tinh hoa tri thức của nhân loại, của dân tộc. Sinh thời, C.Mác, E.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin, Hồ Chí Minh luôn căn dặn những người cộng sản kế tục không được xem học thuyết, tư tưởng của các ông là những tri thức đã hoàn thiện, nhất thành bất biến; càng không được biến chúng thành những tín điều mà phải luôn luôn làm tươi mới, sống động bằng những tri thức, giá trị sáng tạo mới.

Đảng ta kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng không giáo điều, thụ động, biệt lập mà kiên định một cách sáng tạo, chủ động, cởi mở. Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng rút ra năm bài học lớn và bài học hàng đầu là: Quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam. Bài học quan trọng này có giá trị định hướng cho quá trình tiếp tục đổi mới căn bản công tác NCLL trong tình hình mới.

Trước hết, cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo hơn về Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên tinh thần khoa học. Cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế có tính lịch sử, những nội dung, những luận điểm đã hết giá trị, đã bị thực tiễn vượt qua; đồng thời làm sáng rõ hơn, chuẩn xác hơn, đầy đủ hơn những nội dung, những luận điểm khoa học còn nguyên giá trị định hướng và đề xuất những giải pháp đúng đắn, khả thi để vận dụng sáng tạo những giá trị đó vào thực tiễn xây dựng, bảo vệ đất nước ta hiện nay.

Tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, toàn diện để kế thừa, phát triển những kinh nghiệm, bài học lịch sử vô cùng quý báu của tổ tiên ta trong hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước; tổng kết ở tầm lý luận để vận dụng hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Đầu tư, nghiên cứu nhiều hơn, thường xuyên và cập nhật hơn những giá trị nhân loại, giá trị khu vực trong thế giới đương đại để chọn lọc, tham chiếu, vận dụng phù hợp với hoàn cảnh, yêu cầu của đất nước. Đồng thời, chủ động, tích cực mở rộng giao lưu, hợp tác, đối thoại về lý luận để thế giới hiểu đầy đủ, đúng đắn về đất nước, dân tộc, về Đảng, Nhà nước và chế độ chính trị của chúng ta. Nếu trên bình diện kinh tế, chúng ta phấn đấu tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, thì trên bình diện lý luận, cũng cần thiết phải tham gia vào việc xác lập hệ giá trị khu vực, thế giới và quảng bá, khẳng định hệ giá trị quốc gia của Việt Nam. Ở đây cần khắc phục cả hai khuynh hướng: Kỳ thị, định kiến về ý thức hệ dẫn tới chủ nghĩa biệt lập hoặc sùng ngoại, đề cao, tiếp nhận cực đoan các giá trị bên ngoài, không tính đếm đầy đủ hoàn cảnh, điều kiện, yêu cầu của đất nước, rơi vào chủ nghĩa giáo điều mới.

4. NCLL gắn với hoạch định đường lối, định hướng chính sách

NCLL có hai thiên chức cơ bản: Bổ sung, không ngừng hoàn thiện những tri thức về quy luật vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội, con người (nghiên cứu cơ bản về lý luận nói chung) và cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của giới cầm quyền nhằm quản lý, phát triển xã hội (nghiên cứu ứng dụng, chủ yếu là NCLL chính trị).

NCLL chính trị chỉ có ý nghĩa và giá trị khi những kết quả nghiên cứu được chắt lọc, chuyển hóa thành nội dung của đường lối chính trị và trở thành căn cứ khoa học định hướng cho việc xây dựng những chính sách quốc gia. Một khi lý luận phản ánh đúng quy luật, hợp với lòng dân, ý Đảng và được chuyển tải trong đường lối, chính sách sẽ đi nhanh vào cuộc sống, thông qua nhận thức và hành động tự giác của con người, trở thành nguồn sức mạnh vật chất to lớn có thể tạo nên kỳ tích "rời non lấp biển". Không làm được như vậy, lý luận sẽ lâm vào bi kịch “lơ lửng trên trời, cuộc đời dưới đất”, trở thành mớ lý luận suông, tốn giấy mực, tiền bạc mà vô bổ.

Trong 86 năm cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác NCLL đã có nhiều đóng góp quan trọng, cung cấp những căn cứ lý luận-thực tiễn vững chắc vào quá trình hoạch định đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và đường lối cách mạng XHCN, đặc biệt là đường lối đổi mới của Đảng, góp phần tạo nên những thành tựu vẻ vang.

Tuy nhiên, sự gắn kết giữa NCLL với hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng còn có mặt, có khâu chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, do vậy có những vấn đề lý luận đã được đề xuất, dự báo từ sớm nhưng phải qua nhiều kỳ Đại hội Đảng mới được kết luận, đưa vào đường lối, chủ trương, làm chậm hoặc bỏ lỡ thời cơ phát triển trong thực tiễn. Một mặt, NCLL đòi hỏi sự thận trọng, xem xét tỉ mỉ, kiểm chứng tỉnh táo mọi động thái thực tiễn, nhất là những động thái mới, phức tạp, tránh kết luận vội vàng, võ đoán dẫn đến sai lầm. Mặt khác, cái mới nhen nhóm lúc ban đầu bao giờ cũng đơn lẻ, mong manh và chưa được sự thừa nhận của số đông, cần được phát hiện sớm, nuôi dưỡng và bảo vệ. Thực tế đó đòi hỏi người làm công tác NCLL phải mẫn cảm, có khả năng dự báo, sự kiên trì và trung thực trong phát hiện, đề xuất cái mới. Càng cần hơn là bản lĩnh, tầm nhìn, sự sáng suốt của tập thể lãnh đạo trong tiếp nhận, ủng hộ, khẳng định những đề xuất lý luận mới, quyết đoán đưa nhanh thành đường lối, chủ trương và chỉ đạo thí điểm, nhân rộng trong thực tiễn. NCLL không chỉ có trách nhiệm cung cấp căn cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng mà rất cần phải gắn bó mật thiết với việc xây dựng các chính sách phát triển ở tầm vĩ mô-những chính sách quốc gia. Dĩ nhiên, NCLL và xây dựng chính sách là hai hoạt động khác nhau, không làm thay công việc của nhau, song có quan hệ biện chứng, không thể tách rời.

Ngoài các vấn đề nêu trên, để công tác NCLL đạt hiệu quả, cần coi trọng việc thống nhất lực lượng; kết nối thông tin; phát huy dân chủ-điều kiện cần thiết để đổi mới, nâng cao chất lượng NCLL. Trong đó chú trọng xây dựng môi trường học thuật dân chủ, phát huy nhiệt huyết và khả năng nghiên cứu, phát hiện, đề xuất những vấn đề lý luận có ý nghĩa đột phá; tăng cường thảo luận, tranh luận, đối thoại lý luận trên tinh thần khoa học, cầu thị, tôn trọng pháp luật và nguyên tắc Đảng để đi đến nhận thức thống nhất vì lợi ích chung của đất nước, dân tộc.

Đại hội XII của Đảng chỉ rõ việc đổi mới căn bản công tác NCLL là một mắt khâu quan trọng trong quá trình tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước. Cần quán triệt sâu sắc và có chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện nghiêm túc những định hướng được xác định trong văn kiện Đại hội XII của Đảng. Đặc biệt, quá trình đổi mới căn bản công tác NCLL cần ghi lòng tạc dạ và phấn đấu làm cho bằng được lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Từ nay, công việc gì bất kỳ thành công hay thất bại, chúng ta cần nghiên cứu cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”.

GS, TS PHÙNG HỮU PHÚ

Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương