Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, cả nước hiện có hơn 65.000 ca mắc bệnh chân tay miệng, có gần 30.000 ca phải nhập viện. Các địa phương có số ca bệnh gia tăng mạnh là Hà Nội, Khánh Hòa, Nghệ An, Cần Thơ... Hiện nay, bệnh chân tay miệng vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Trong khi đó, từ nay đến tháng 12 luôn là thời điểm bùng phát dịch; ngoài các nơi đông dân cư như thành phố, bệnh đã bắt đầu xuất hiện ở các huyện miền núi.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm triển khai chống dịch. Tuy nhiên theo tôi, cùng với nỗ lực của ngành y tế, mỗi gia đình và các bậc phụ huynh cần quan tâm, chủ động phòng bệnh chân tay miệng cho trẻ nhỏ. Theo kinh nghiệm của gia đình tôi, cha mẹ, ông bà cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn và trước khi bế ẵm trẻ. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống chưa được khử trùng. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Thường xuyên lau rửa đồ chơi của trẻ và tay nắm cửa.
Ngoài ra, khi thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh như sốt, đau họng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối; đặc biệt, nếu trẻ sốt cao liên tục không thể hạ được, mệt mỏi, ngủ nhiều, lơ mơ, ngủ gà, giật mình, vã mồ hôi, lạnh…, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám, có biện pháp điều trị hiệu quả.
VÕ TẠ HƯƠNG GIANG (phường Tân Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình)