Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, ứng dụng trí tuệ nhân tạo là xu hướng tất yếu của thời đại. Y tế Việt Nam cần tiếp cận và đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Y tế đã xác định 3 mục tiêu cụ thể là: Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện tốt Chương trình sức khỏe Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính và giảm quá tải bệnh viện; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý y tế, triển khai hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, xây dựng nền quản trị y tế thông minh.

Dựa trên gợi ý của hệ thống trí tuệ nhân tạo, các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị ung thư  cho bệnh nhân.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Y tế đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, đó là: Xây dựng cơ chế, chính sách, phát triển hạ tầng CNTT Y tế, ứng dụng CNTT trong chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh với nội dung chính là xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân và xây dựng phần mềm cảnh báo dịch bệnh thông minh, khám, chữa bệnh thông minh với nội dung chính là xây dựng bệnh viện thông minh, xây dựng và hình thành nền quản trị y tế thông minh với nội dung chính là xây dựng văn phòng điện tử và triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; nhiệm vụ về phát triển nhân lực CNTT, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, truyền thông giáo dục sức khỏe và cơ chế tài chính.

Tại hội thảo, ý kiến của các đại biểu khẳng định, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong y tế là nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, khắc phục các rủi ro, sự cố y khoa, giảm quá tải bệnh viện, góp phần làm hài lòng người bệnh. Đặc biệt tại hội thảo, nhiều giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế đã được các chuyên gia trình bày. Các giải pháp ứng dụng đều cho thấy khả năng triển khai thực tế tại Việt Nam, cũng như tác dụng to lớn trong việc nâng cao quản lý bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như giảm tỷ lệ người Việt Nam ra nước ngoài điều trị. Cũng tại buổi hội thảo, đại diện hai bệnh viện hàng đầu về điều trị ung thư tại Việt Nam là Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian sắp tới bệnh viện sẽ đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư, giúp người bệnh được hưởng nhiều lợi ích hơn trong quá trình điều trị và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS, TS Trần Quý Tường, Cục trưởng cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế khẳng định:  Trí tuệ nhân tạo cũng như các ứng dụng công nghệ mới luôn cần thời gian để hoàn thiện hơn và đi vào thực tế. Bộ Y tế luôn quan tâm, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng trong các chuyên khoa, chuyên ngành y học và trong công tác quản lý ngành Y tế. Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch, bố trí các nguồn lực để chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sẵn sàng hỗ trợ, thúc đẩy trí tuệ nhân tạo phát triển ở Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời đại công nghệ mới.

THÁI SƠN