Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội; các đại sứ quán, các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam.

Báo cáo tại cuộc họp cho biết, việc sử dụng rượu, bia tại Việt Nam đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người dân và cộng đồng. Tỷ lệ dân số sử dụng rượu, bia ngày càng trẻ hóa với  tỷ lệ uống rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14-17 tuổi) rất cao là 47,5% và trong độ tuổi 18-21 là 67%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai, đặc biệt là chất lượng giống nòi. Đồng thời, phụ nữ và trẻ em là những người chịu ảnh hưởng nặng nề của tác hại do sử dụng rượu, bia. Tỷ lệ phụ nữ chịu hậu quả từ người thân trong gia đình sử dụng rượu bia (50%) nhiều hơn gấp 7 lần so với nam giới (14,9%), 21% trẻ em đã chịu tác hại từ việc sử dụng rượu bia của người xung quanh và 14% trẻ em đã chịu ít nhất một trong năm tác hại liên quan.

Đại diện Bộ Y tế, WHO chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, trở thành một điểm sáng của thế giới trong thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ được cộng đồng quốc tế đáng giá cao. Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật trong đó có các bệnh không lây nhiễm vẫn đang là thách thức lớn cho ngành y tế cũng như sự phát triển đất nước. Một trong những nguyên nhân hàng đầu của tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm cao là do hành vi, lối sống không lành mạnh như: Hút thuốc lá, uống rượu bia, ít vận động thể lực, dinh dưỡng không cân đối… Do đó, giải pháp căn bản để ngăn chặn bệnh không lây nhiễm chính là loại trừ các yếu tố nguy cơ.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, sử dụng rượu, bia hiện nay là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển con người mang tính bền vững bởi những ảnh hưởng tiêu cực đến cả ba khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế. Với những tác động đến sức khoẻ cộng đồng, xã hội và tài chính; rượu, bia thực sự là trở ngại lớn đối với 13/17 mục tiêu và 52/169 chỉ tiêu trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững mà Liên hợp quốc đã đưa ra.

Tại cuộc họp, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, rượu, bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác. Rượu, bia là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10. Đặc biệt, chất cồn trong rượu, bia được Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư, có thể gây ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại - trực tràng, gan và ở nữ còn thêm ung thư vú.

Rượu bia gây nhiều tác hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Các ý kiến tại cuộc họp đều cho rằng, uống rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến người uống mà còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh. Một số tác hại có thể xảy ra ngay sau khi uống như: Chấn thương, gây tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu bia.... Đặc biệt, uống rượu bia ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như gây ra các bệnh: Ung thư, tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu bia… hay các vấn đề xã hội lâu dài như tác hại đối với gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ cácmối quan hệ gia đình, xã hội.

Do những ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng nên rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng. Tổ chức Y tế thế giới đã phê chuẩn Chiến lược toàn cầu nhằm giảm tác hại của việc sử dụng đồ uống có cồn vào năm 2010. Tại Việt Nam, ngày 12-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 244/QĐ-TTg phê duyệt Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Đồng thời, Quốc hội cũng đã đồng ý đưa dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội.

Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia, nghị quyết đã nêu rõ các giải pháp phải thực hiện trong thời gian tới, trong đó phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá. Các giải pháp này phải được thể chế vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Để giải quyết vấn đề sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại, WHO khuyến nghị cần có chính sách giá đối với đồ uống có cồn. Các bằng chứng cho thấy việc tăng giá rượu, bia có tác dụng giảm việc sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại của những người uống rượu nói chung và thanh thiếu niên nói riêng. Đồng thời, hạn chế tính dễ dàng tiếp cận với rượu, bia và tính sẵn có của rượu, bia bằng cách quy định về mật độ các điểm bán rượu, bia qua cơ chế cấp phép nghiêm ngặt; hạn chế số ngày và giờ được phép bán rượu, bia; và quy định độ tuổi tối thiểu được mua hoặc sử dụng đồ uống có cồn. Cùng với đó, cần có các quy định về tiếp thị, quảng cáo sản phẩm. Các quảng cáo rượu, bia đặc biệt ảnh hưởng tới giới trẻ. Rất nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng khi những người trẻ tiếp xúc với quảng cáo, tiếp thị rượu, bia nhiều, khả năng sẽ bắt đầu uống hoặc uống nhiều rượu, bia hơn. Nếu được triển khai hiệu quả, việc hạn chế hoặc cấm tiếp thị, quảng cáo rượu, bia có thể làm giảm tiêu thụ, đặc biệt là trong nhóm thanh thiếu niên, và qua đó làm giảm bạo lực và tai nạn giao thông đường bộ...

Như vậy, việc ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là hết sức cần thiết và cấp thiết để góp phần thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Tin, ảnh: VƯƠNG THÚY