Bệnh nhi có tiền sử mắc bệnh động kinh từ lúc 6 tháng tuổi. Trước khi nhập viện 3 tháng, gia đình thấy trẻ co giật nhiều hơn, tuy nhiên thay vì tuân thủ hướng dẫn điều trị bệnh của các bác sĩ chuyên khoa thì gia đình lại tự ý đi mua thuốc nam không rõ nguồn gốc dạng viên về cho trẻ uống.

leftcenterrightdel
Cháu bé đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BV 

Sau khi dùng thuốc, tình trạng co giật của trẻ có giảm hơn, thế nhưng, khoảng một tháng nay trẻ xuất hiện rối loạn hành vi, khóc buồn vô cớ, hay kêu đau đầu,…

Bệnh nhi được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 12-4 trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái. Qua thăm khám lâm sàng, kết hợp hỏi bệnh sử, các bác sĩ nghi ngờ trẻ bị ngộ độc chì.

Sau khi tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và xét nghiệm định lượng chì trong máu, kết quả cho thấy bệnh nhi bị ngộ độc chì rất nặng. Nồng độ chì trong máu trên 100µg/dL (ngưỡng được chấp nhận là dưới 10 µg/dL). Ngoài ra, trẻ còn thiếu máu nặng và giãn não thất.

Hiện trẻ đang được điều trị tích cực bằng thở máy, chống phù não kết hợp sử dụng thuốc thải chì trong máu,… tại Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuy nhiên, trẻ vẫn trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu.

TS, BS Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, ngộ độc chì vô cùng nguy hiểm, đặc biệt đối với sự phát triển của trẻ em. Ở bất cứ độ tuổi nào, trẻ cũng có thể bị ngộ độc chì, nguyên nhân có thể do trẻ tiếp xúc với đồ chơi, sơn có chứa chì, nước bị ô nhiễm.

Đáng lưu ý, một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc chì ở trẻ em mà cha mẹ ít cảnh giác đó là do dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc, với mong muốn giúp con tăng cân và chữa một số bệnh thông thường.

Khi xâm nhập vào cơ thể, chì có thể gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, tim mạch, huyết học, dạ dày, đường ruột, thận và phải mất hàng chục năm mới có thể thải được chì ra ngoài.

Ngộ độc chì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Vì vậy, để phòng ngừa ngộ độc chì ở trẻ, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc nam và các loại thuốc không rõ nguồn gốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Đối với trẻ mắc bệnh động kinh nói riêng và các bệnh mãn tính nói chung, cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn điều trị, dùng thuốc và tái khám theo lịch hẹn, không được tự ý ngừng thuốc, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

CHÂU ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.