20 quận, huyện ở Hà Nội có biến thể Omicron
Bộ Y tế cho hay số ca mắc Covid-19 liên tục tăng nhanh, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh và đang dần thay thế chủng Delta, đặc biệt với nhóm người chưa tiêm vắc xin và tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19 gia tăng, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện của Hà Nội; trong đó, biến thể BA.2 chiếm 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron (biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc xin hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%).
Ca mắc Covid-19 tăng nhiều ở nhóm chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhất là nhóm dưới 12 tuổi
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, đến nay dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%).
Tuy nhiên, do tỉ lệ bao phủ vắc xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỉ lệ chết/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.
Nghệ An ghi nhận 2.172 ca nhiễm Covid-19 mới
Sáng 5-3, Nghệ An ghi nhận 2.172 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 519 ca cộng đồng; 1.653 ca đã được cách ly từ trước (1.621 ca là F1, 24 ca trong khu cách ly, 8 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).
Các địa phương có số bệnh nhân cao nhất trong 12 giờ qua: TP Vinh, Diễn Châu, Thanh Chương, Nghĩa Đàn... Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 101.566 ca mắc Covid-19. Lũy kế số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 68.219 bệnh nhân. Lũy kế số bệnh nhân tử vong: 121 bệnh nhân. Số bệnh nhân hiện đang điều trị: 33.226 bệnh nhân.
F0 ở miền Tây tiếp tục tăng cao
Cà Mau ghi nhận 1.608 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó TP Cà Mau có đến 227 trường hợp. Trong ngày có 381 người điều trị khỏi, ghi nhận một trường hợp tử vong.
Bến Tre có thêm 823 ca mắc mới, tất cả đều lây nhiễm từ cộng đồng, có 180 người điều trị khỏi bệnh, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Tiền Giang có 796 ca dương tính, trong đó có 23 ca bằng phương pháp PCR và 773 ca test nhanh kháng nguyên, 25 ca điều trị khỏi và không có trường hợp nào tử vong.
Vĩnh Long thêm 341 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 209 ca cộng đồng, 119 ca sàng lọc tại cơ sở y tế, 13 trường hợp F1 thành F0. Trong ngày, điều trị khỏi 24 ca; không ghi nhận bệnh nhân tử vong.
Trà Vinh phát hiện 313 ca mắc mới, trong đó 297 ca trong cộng đồng, 15 ca đã cách ly từ trước và một ca sàng lọc trong cơ sở y tế. Trong ngày không có bệnh nhân khỏi bệnh, không ghi nhận ca tử vong.
Bạc Liêu có thêm 250 ca mắc mới, trong đó có 173 trường hợp cộng đồng, 119 ca bình phục, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Hậu Giang ghi nhận 188 ca mắc mới, trong đó có đến 181 ca cộng đồng, điều trị khỏi 40 ca, ghi nhận một trường hợp tử vong.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong tuần qua là 97 ca
Bộ Y tế cho biết, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.644 ca, chiếm tỷ lệ 1% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
 |
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: TTXVN |
Thái Bình đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người lao động
Thái Bình đã ban hành kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 đợt 40 cho người lao động của các doanh nghiệp đã tiêm mũi 2. Những người từ 18 tuổi trở lên chưa được tiêm vắc xin Covid-19 hay đã tiêm mũi 1; người trên 50 tuổi hoặc mắc bệnh lý nền đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca từ đủ 28 ngày trở lên và người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Vero Cell từ đủ 28 ngày trở lên đều được tổ chức tiêm cùng đợt này.
Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày tỉnh Thái Bình ghi nhận hơn 1.500 ca mắc mới. Dịch xuất hiện ở hầu hết các nhóm nguy cơ cao và cộng đồng, trong đó tập trung ở nhóm học sinh, người lao động. Ngày 4-3, Thái Bình ghi nhận số ca mắc mới tăng cao với 2.138 ca mắc mới.
Bình Phước: Ca mắc mới tăng mạnh, nhiều địa phương chuyển vùng cam
Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước tăng vọt, toàn tỉnh Bình Phước có nguy cơ dịch ở cấp độ 3 (vùng cam, tăng một cấp so với công bố ngày 25-2), 6 huyện nguy cơ dịch ở cấp độ 4 (vùng đỏ, tăng 6 huyện so với lần công bố trước) gồm: Thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long, các huyện Lộc Ninh, Đồng Phú, Bù Đăng, Phú Riềng. Một huyện có nguy cơ dịch ở cấp độ 3 là Bù Gia Mập, những huyện còn lại ở cấp độ 2.
Khoảng 10 ngày trở lại đây, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn liên tục tăng cao với hơn 1.000 ca/ngày, hiện ở mức xấp xỉ 2.000 ca/ngày. Bình Phước vẫn tiếp tục duy trì 65 chốt kiểm soát trên dọc tuyến biên giới để vừa đảm bảo an ninh, an toàn vừa phòng, chống dịch Covid-19.
TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch
UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
UBND TP đề nghị UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường phối hợp hiệu quả, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, khu công nghiệp, trường học; phối hợp tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 “thần tốc hơn nữa”, đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12 - 17 tuổi; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn; tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.
UBND các quận huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở; có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong trường học và cơ sở sản xuất kinh doanh.
Đối với Sở Y tế, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu; thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung điều trị hiệu quả ở các tuyến; cung ứng và bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ...
Đặc biệt cung cấp đầy đủ ô-xy y tế tại các cơ sở điều trị, không để xảy ra tình trạng người mắc Covid-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị. Sở Y tế chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, nhất là tại bệnh viện và xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19.
THÁI AN