Ngay sau khi Báo QĐND Điện tử đăng tin với tiêu đề "Làm gì khi tiêm vaccine Covid-19 nhưng Sổ sức khỏe điện tử chưa cập nhật?" nhiều bạn đọc rất bức xúc đã gửi hàng nghìn phản hồi đến Báo Quân đội nhân dân Điện tử, với chung một số phản ánh như sau: "Tôi tiêm xong 2 mũi nhiều ngày mà không có giấy chứng nhận điện tử? Tôi tự điền thông tin và gửi đến Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 để được cập nhật các mũi tiêm mà không thấy phản hồi? Tôi gửi phản hồi 3 lần mà không thấy Bộ Y tế trả lời? Tôi đã tiêm 2 mũi vaccine mà chỉ có giấy chứng nhận một mũi? Tôi đã tiêm 2 mũi mà trên Sổ sức khỏe chỉ hiện một mũi?Giấy chứng nhận vaccine của tôi sai mà gửi phản hồi khống thấy trả lời? Mong Bộ Y tế giúp sớm cập nhật thông tin tiêm chủng của tôi lên hệ thống tiêm chủng? Tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine mà không có mũi nào có tên trên hệ thống? Tại sao tôi tiêm phòng vaccine Covid-19 rồi mà Sổ sức khỏe không báo? Tôi làm các bước mà không truy cập được…? Một app nhiều hạn chế như thế tại sao đã đưa vào thí điểm thực hiện ở cấp quốc gia?...."

leftcenterrightdel
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Bộ Y tế 

Để giải thích về tình trang trên, trao đổi với Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử sáng 16-9, PGS, TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến nhiều người dân đã tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng chưa được xác nhận tiêm chủng, mất dữ liệu tiêm chủng, dù đã tiêm vaccine Covid-19.

Theo PGS, TS Trần Quý Tường, nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 đang được cung cấp miễn phí như sau: Cổng đăng ký thông tin quốc gia, hệ thống quản lý tiêm chủng Covid-19, ứng dụng sổ sức khỏe điện tử và hệ thống báo cáo điều hành. Khả năng đáp ứng của nền tảng 5 triệu mũi/ngày; 42.000 bản tiêm đồng thời. Thực tế vận hành cho thấy còn nhiều vướng mắc trong cập nhật, quản lý dữ liệu trên nền tảng quản lý tiêm chủng vaccine Covid-19. Bên cạnh đó, còn nhiều cơ sở tiêm chưa nhập dữ liệu hồi cứu kịp thời nên người dân đi tiêm nhưng chưa có chứng nhận tiêm chủng trên hệ thống Sổ sức khỏe điện tử và cổng thông tin tiêm chủng.

Đặc biệt, do mới sử dụng nên nền tảng chưa hoạt động ổn định, các thành phần của hệ thống còn chưa hoàn thiện, quá trình hoạt động còn xảy ra lỗi. Trong khi đó, dữ liệu các thành phần nền tảng chưa hoàn toàn liên thông dữ liệu dẫn đến số liệu báo cáo chưa chính xác gây khó khăn cho các cơ sở tiêm chủng khi lập kế hoạch và cơ quan quản lý không nắm chính xác tiến độ tiêm. Ngoài ra, hệ thống quản lý điều hành cũng chưa hoàn thiện, thiếu một số chức năng cho người quản lý điều hành cấp; số liệu thống kê chưa chính xác. Ngoài ra, các địa phương chưa được cấp tài khoản để xem danh sách người dân đăng ký tiêm trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và cổng thông tin tiêm chủng.

PGS, TS Trần Quý Tường cũng cho biết thêm, hiện nay trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 mới có danh sách gần 9.000 điểm tiêm chủng, trong khi thực tế có khoảng 18.000 điểm tiêm chính thức và còn rất nhiều các điểm tiêm lưu động. Do đó, nhiều người dân khi cập nhật sẽ không tìm được địa điểm nơi mình đã tiêm chủng, nên không đủ thông tin cần thiết, là nguyên nhân phần mềm sẽ không tiếp nhận thông tin đưa lên hệ thống. Thực tế trên khiến nhiều người đã tiêm nhưng không có chứng nhận tiêm chủng trên cổng tiêm chủng. “Cục Công nghệ thông tin và các chuyên gia công nghệ sẽ thành lập tổ công tác để kịp thời đánh giá các sự cố, cùng đưa ra các giải pháp khắc phục. Đồng thời, sẽ thiết lập các bộ phận hỗ trợ người dân, cơ sở tiêm chủng, các địa phương trong cập nhật, xử lý dữ liệu tiêm chủng để người dân có chứng nhận điện tử sớm nhất”, PGS, TS Trần Quý Tường nhấn mạnh.

Còn theo đơn vị cung cấp phần mềm Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Bộ Y tế, nguyên nhân nhiều người đã tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 nhưng không có chứng nhận điện tử trên Sổ sức khỏe điện tử là do một số người sử dụng một số điện thoại đăng ký cho nhiều người khác nhau (đăng ký cho bố mẹ, người thân hoặc đăng ký cho đoàn tiêm), dẫn tới tình trạng, khi cập nhật hệ thống chỉ nhận diện một số điện thoại cho một người, nên các trường hợp khác không được chấp nhận.

*Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện vừa hướng dẫn chi tiết nhu cầu hồi cứu lại dữ liệu với những người đã tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, nhưng vẫn chưa có thông tin trên Sổ sức khoẻ điện tử.

Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cán bộ, người lao động một số cơ quan, đơn vị đã tiêm vaccine phòng Covid-19 tại đây nhưng chưa có thông tin trên “Sổ sức khỏe điện tử”, do tại thời điểm đó, phần mềm tiêm vaccine phòng Covid-19 quốc gia chưa hoàn thiện để triển khai đồng bộ dữ liệu.

leftcenterrightdel
 

Vì vậy, các đơn vị đã tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai có nhu cầu hồi cứu lại dữ liệu thì làm theo các bước sau:

Vào email: hoicuudulieu@gmail.com, mật khẩu: bachmai123 để tải file mẫu (chỉ áp dụng với những người đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai).

Sau đó, nhập dữ liệu hồi cứu theo đúng form yêu cầu đã tải xuống, nhập thông tin người tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai trước ngày 1-8-2021 (khi triển khai thao tác trên phần mềm).

Các cơ quan, đơn vị gửi file mềm dữ liệu hồi cứu mũi tiêm tại bệnh viện, gửi kèm 1 bản cứng (có đóng dấu đỏ) và 1 bản cam kết theo mẫu đính kèm. File mềm ghi rõ tên đơn vị cần hồi cứu dữ liệu, gửi về Zalo số điện thoại 0869587686.

Bản cam kết và bản cứng nộp về Tổ thống kê, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, tầng 2 nhà P. Dữ liệu chỉ được hồi cứu khi đơn vị gửi đầy đủ bản cam kết, bản cứng, file mềm tới Bệnh viện Bạch Mai.

Ngoài ra, người dân gặp vướng mắc khi nhập dữ liệu hồi cứu có thể liên hệ số hỗ trợ của Công ty phần mềm Viettel: 0976959696. Khi cần trao đổi về dữ liệu hồi cứu thì liên hệ số điện thoại 0869587686.

Bệnh viện Bạch Mai cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi dữ liệu hồi cứu trước ngày 10-10, sau thời gian trên coi như đơn vị không có nhu cầu hồi cứu dữ liệu tiêm vaccine phòng Covid-19.

Những trường hợp đã tiêm vaccine tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10-8 đến nay mà chưa hiện thông tin chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử điện tử" thì cá nhân tự liên hệ tổng đài 19009095 để được hỗ trợ giải đáp.

Trước đó, theo đơn vị cung cấp phần mềm "Sổ sức khoẻ điện tử", còn khoảng 2 triệu mũi tiêm chưa nhập liệu hoặc nhầm lẫn dữ liệu.

VƯƠNG THÚY