Năm 2017, dịch SXH bùng phát trên phạm vi cả nước, ghi nhận 183.287 trường hợp mắc, 30 trường hợp tử vong. Tại thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với các viện thuộc khối y tế dự phòng nhân rộng việc sử dụng muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia trong phòng, chống SXH. Cơ chế của phương pháp này như sau: Các nhà khoa học cấy vi khuẩn Wolbachia vào trứng muỗi vằn (Aedes aegypti), từ đó nở ra muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia. Trong cơ thể muỗi, vi khuẩn Wolbachia sẽ ức chế sự xâm nhập và nhân lên của một số loại vi-rút, bao gồm vi-rút Dengue (gây bệnh SXH) và vi-rút Zika. Theo đó, các vi-rút gây bệnh này hầu như không còn khả năng truyền từ muỗi sang người. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ mang lại bước tiến mới cho công cuộc phòng, chống SXH tại Việt Nam.
Đầu năm 2018, Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia của Dự án hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam (gọi tắt là dự án) tại 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (cụ thể là các thôn Lương Sơn 1,2,3; Văn Đăng 1,2,3 và Võ Tánh 1,2). Thời gian thả muỗi dự kiến bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài từ 12 đến 18 tuần. Dự án đã lập bản đồ phân chia các ô thả muỗi trong khu vực, mỗi ô có kích thước 50x50m. Mỗi tuần dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi ô như vậy.
 |
Người dân trên đảo Trí Nguyên cho tay vào lồng chứa muỗi mang vi khuẩn Wolbachia để phục vụ công tác thí nghiệm của dự án. Ảnh: PHÙNG NGUYÊN. |
Bác sĩ Nguyễn Bình Nguyên, điều phối viên dự án tại thực địa cho biết, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới triển khai nghiên cứu thí điểm thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên thực địa, tại đảo Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) vào năm 2013 và 2014. Từ khi kết thúc thả muỗi tới nay, số ca mắc SXH trên đảo giảm đi đáng kể so với những năm trước và không có ổ dịch SXH tập trung trong 4 năm qua (trong khi TP Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa nói chung vẫn có dịch SXH lưu hành hằng năm với tỷ lệ mắc cao so với trung bình cả nước). Mặt khác, việc thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ở đảo Trí Nguyên (cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới) chứng minh tính an toàn, không gây ảnh hưởng bất lợi đối với sức khoẻ con người hoặc môi trường sinh thái. Dự án cũng nhận được sự ủng hộ cao của cộng đồng người dân trên đảo và các cấp chính quyền địa phương. Các kết quả này được Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đánh giá nghiệm thu vào năm 2016.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trước khi tiến hành thả muỗi ở xã Vĩnh Lương, dự án sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan ở địa phương tổ chức họp dân cung cấp thông tin và lấy ý kiến người dân, sau đó sẽ tiến hành khảo sát mức độ nhận thức của người dân về phương pháp này và lấy phiếu đồng thuận của 370 hộ gia đình chọn ngẫu nhiên trong khu vực... Việc thả muỗi chỉ được tiến hành sau khi có được sự đồng thuận cao của cộng đồng (từ 80% trở lên). Trong thời gian thả muỗi, dự án sẽ duy trì thường xuyên, lâu dài việc theo dõi quần thể muỗi và giám sát tình hình bệnh SXH trong cộng đồng. Nếu có vấn đề bất lợi xảy ra liên quan đến muỗi mang vi khuẩn Wolbachia, sẽ tạm ngừng thả muỗi cho đến khi có kết luận của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Dự án đã cùng Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế tỉnh Khánh Hoà tiến hành khảo sát, nghiên cứu và thấy rằng xã Vĩnh Lương là địa bàn phù hợp để triển khai. Bởi, xã có mật độ dân cư tập trung cao, điều kiện địa lý và môi trường phù hợp; đồng thời mật độ muỗi vằn khá cao và dịch SXH lưu hành thường xuyên trong nhiều năm qua. Sở Y tế tỉnh Khánh Hoà đã lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan, báo cáo và được UBND tỉnh đồng ý với phương án triển khai thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia bước đầu ở xã Vĩnh Lương. Sau khi đánh giá kết quả đạt được mới triển khai thả muỗi ở các phường của TP Nha Trang.
THU HƯƠNG