Ngày 6-9 tại Sóc Trăng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Sở Y tế Sóc Trăng, Sở Y tế Bạc Liêu tổ chức khóa tập huấn về nội dung quản lý xử trí các ca bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng (SARI) và một số bệnh thường.
Khóa tập huấn đã thu hút hơn 60 học viên là các bác sĩ làm việc tại các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và khoa lâm sàng liên quan... đến từ các bệnh viện, Trung tâm y tế trực thuộc Sở Y tế Bạc Liêu và Sở Y tế Sóc Trăng tham dự.
Các khóa tập huấn về quản lý cấp cứu ca bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng (SARI) đã được Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới triển khai từ năm 2014, sau 3 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19 đến nay được khởi động trở lại với mong muốn các học viên được nâng cao năng lực về lý thuyết và kỹ năng thực hành cấp cứu xử trí các ca bệnh nhiễm khuẩn hô hấp và một số bệnh thường gặp.
 |
Các học viên thực hành cấp cứu xử trí các ca bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng.
|
Phát biểu tại buổi khai mạc, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thành Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng cho biết, trong đại dịch Covid-19 công tác cấp cứu trên địa bàn tỉnh nhiều nơi còn gặp nhiều khó khăn, không ít ca Covid-19 nặng không được cấp cứu, xử trí kịp thời do thiếu nguồn nhân lực được đào tạo về cấp cứu, hồi sức.
Việc cấp cứu tuần hoàn hô hấp là một trong những cấp cứu đòi hỏi sự khẩn trương và chính xác. Bệnh nhân chỉ cần ngưng tim ngưng thở 4 phút đã để lại di chứng, tổn thương khó hồi phục, thậm chí tử vong. Việc cấp cứu ngừng tuần hoàn xảy ra khắp nơi từ bệnh viện đến ngoài cộng đồng nên việc cung cấp, trang bị kiến thức cho cán bộ y tế vô cùng quan trọng.
Nhiều bài học về thực hành đã được các chuyên gia hướng dẫn các học viên thực hành trực tiếp trên mô hình như: Cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản; thiết lập đường thở cấp cứu; cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao có sử dụng thuốc, máy móc; cấp cứu rối loạn nhịp nhanh và chậm ở người lớn; thực hành cấp cứu nhi khoa; cấp cứu sốc phản vệ; thực hành kỹ năng.
Khóa tập huấn sẽ diễn ra đến hết ngày 8-9, do các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp cứu, hồi sức tích cực của các bệnh viện tuyến cuối hướng dẫn.
Tin, ảnh: LÊ HẢO
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.
QĐND Online - Trước những thông tin báo chí đưa về việc: “Khi mua thuốc ngoại trú đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ”, ngày 2-3, Thạc sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có thông tin về vấn đề này.