Bộ Y tế cho biết, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh có vaccine phòng bệnh (sởi, ho gà...), bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, cúm A(H5N1) tiếp tục ghi nhận và bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong nước, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên bệnh sởi vẫn tiếp tục ghi nhận số mắc cao ở nhóm trẻ em từ 11-15 tuổi tại một số tỉnh, thành phố; đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A(H5N1) trên người; một số bệnh lưu hành như bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng đã bắt đầu có xu hướng tăng cục bộ tại một số địa phương.
Trong thời gian tới là mùa hè với thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm du lịch hè 2025 sắp tới với nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.
Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè, tại các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2025; Bộ Y tế trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng, tăng cường rà soát, quản lý, không bỏ sót đối tượng tiêm chủng.
 |
Tiêm vaccine phòng sởi tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: PHONG LAN |
Cùng với đó khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức ngay chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 3 trên địa bàn ngay sau khi được cung ứng vaccine và hoàn thành việc tiêm chủng lần 1 trước ngày 30-4, lần 2 trước ngày 15-5-2025 theo Quyết định số 1340/QĐ-BYT ngày 21-4-2025 của Bộ Y tế về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 3; căn cứ điều kiện thực tế và đặc thù tại địa phương để áp dụng các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm chủng tại nhà, tiêm chủng tại trường học, tiêm chủng lưu động.
Đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao. Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động, thường xuyên phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời, hiệu quả; thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, kịp thời điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao.
AN NHIÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.