Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi và thảo luận về các vấn đề đề nổi cộm trong lĩnh vực giới tính ở Việt Nam hiện nay như: Chăm sóc sức khỏe sinh sản, vô sinh hiếm muộn, các kỹ thuật can thiệp dị tật cơ quan sinh sản, kỹ thuật di truyền trong chẩn đoán, can thiệp và phòng vô sinh…

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tỷ lệ vô sinh hiếm muộn đang có xu hướng ngày một gia tăng với nhiều nguyên nhân khác nhau, việc nghiên cứu gen và can thiệp di truyền là mục tiêu hướng đến của hội để hỗ trợ các vấn đề bất cập về giới và điều trị vô sinh hiệu quả.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội nghị 

Theo PGS, TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt Đức, Chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Nam, cho biết: “Hiện tại hội giới tính y học Việt Nam vẫn còn non trẻ, cần phải phát triển thêm các hội viên và phủ đều khắp toàn quốc sao cho tất cả các cơ sở, các tỉnh thành đều có các đơn vị, con người, vật chất để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe giới tính cho người dân. Tuyên truyền cho người dân hiểu được đúng vai trò của chăm sóc sức khỏe giới tính, đó là một lĩnh vực rộng gồm vấn đề về tình dục, sinh lý bệnh, hỗ trợ sinh sản…và làm thế nào để tạo điều kiện cho người dân đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cả thế hệ sau chứ không chỉ hiện tại. Bởi tỷ lệ vô sinh hiện nay ngày càng tăng lên không chỉ Việt Nam mà cả thế giới…”.

Cũng theo PGS,TS Nguyễn Quang, tình trạng vô sinh hiếm muộn ngày càng phổ biến, trong đó vô sinh nam chiếm đến 40%. Có rất nhiều nguyên nhân gây vô sinh nam giới như: Yếu tố tình dục; nhiễm trùng hệ tiết niệu - sinh dục: viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt…, những bất thường bẩm sinh.

Cũng trong dịp này, Hội Y học giới tính Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 3 và đưa ra định hướng, nhiệm vụ phát triển trọng tâm thời gian tới. PGS,TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

Tin, ảnh: AN AN