QĐND - Kết quả nghiên cứu do Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành cho thấy, tỷ lệ vô sinh tại Việt Nam đang gia tăng. Đáng báo động là tình trạng vô sinh ở những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (dưới 30 tuổi).

Tỷ lệ vô sinh tăng cao

Nghiên cứu do Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái ở nước ta xác định, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%, tương đương với 700.000 đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Đáng báo động là có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30.

Anh Nguyễn Văn Hạnh và chị Đặng Thị Nhan sau 20 năm mong mỏi đã có con bằng phương pháp IVF.

 

GS, TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất, ít nhất 60 quốc gia hiện đã có tỷ lệ sinh thấp hơn đáng kể so với mức độ cần duy trì. Tại Bệnh viện Bạch Mai, cuối năm 2013 đã thành lập Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bạch Mai (IVF Bạch Mai) có triển khai các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm với mục tiêu thành công khoảng 35%-50%. Những kỹ thuật hiện đại cùng chuyên môn của đội ngũ bác sĩ đã được minh chứng bằng sự thành công của ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên. Đó là cháu Nguyễn Chí Thành, con trai đầu lòng của anh Nguyễn Văn Hạnh (SN 1969) và chị Đặng Thị Nhan (SN 1970) ở xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Cháu bé kháu khỉnh, bụ bẫm sinh ra với cân nặng 3,5kg là niềm hạnh phúc mà anh chị đã phải chờ đợi trong gần 20 năm kể từ khi xây dựng gia đình, trong đó có hơn 10 năm trời ròng rã đi chữa bệnh hiếm muộn từ Hải Phòng đến Hà Nội. Khi đến Bệnh viện Bạch Mai, vợ chồng chị Nhan đã có được “trái ngọt” là bé trai đáng yêu này. Niềm vui làm mẹ dẫu có muộn mằn nhưng với chị và gia đình, đây thực sự là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời.

IVF-phương pháp điều trị hiếm muộn hiệu quả

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp điều trị hiếm muộn hiệu quả. Tuy nhiên, tâm lý của nhiều bà mẹ vẫn cho rằng, trẻ sinh ra từ phương pháp này có thể bị dị tật cao hơn bình thường. Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, tỷ lệ dị tật ở trẻ được thụ tinh trong ống nghiệm không có khác biệt với trẻ được thụ thai tự nhiên.

Đây cũng là kết luận của bác sĩ Lê Phương Lan, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản Vinmec-người đã có 30 năm làm việc trong lĩnh vực vô sinh hiếm muộn. Hiện tại ở Việt Nam và trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu khoa học tìm kiếm mối liên hệ có thể có giữa dị tật bẩm sinh và thụ tinh ống nghiệm. Tuy nhiên, kết luận là chưa tìm thấy bất cứ liên hệ nào. “Hiện nay, trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản IVF đã có kỹ thuật chẩn đoán tiền làm tổ (PGDS), nghĩa là phôi trước khi được đặt vào buồng tử cung sẽ được sinh thiết lấy một tế bào phôi để chẩn đoán xét nghiệm, phát hiện bất thường về gien”, bác sĩ Lê Phương Lan cho biết.

Với các cặp vợ chồng vô sinh, tỷ lệ nam giới chịu một phần hoặc hoàn toàn trách nhiệm trong việc không có khả năng thụ thai đang ngày càng gia tăng. Kỹ thuật sàng lọc trước làm tổ này rất có lợi cho những bệnh nhân với nguy cơ cao như tuổi cao, tiền sử bản thân hoặc gia đình có những bệnh lý di truyền; tiền sử đã làm thụ tinh ống nghiệm thất bại hơn 2 lần và sẩy thai liên tiếp nhiều lần. Trường hợp người chồng có tinh trùng yếu, xét nghiệm gien sẽ phát hiện được nhiễm sắc thể bất thường để chọn lọc những “tinh binh” khỏe mạnh nhất, hình thành nên em bé trong tương lai. “PGDS có thể đem đến hy vọng không nhỏ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, giúp tăng tỷ lệ mang thai thành công cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi, giảm tỷ lệ phải bỏ thai do những dị tật bất thường. Trong một chu kỳ IVF, yếu tố tâm lý của người vợ đặc biệt đóng vai trò quan trọng”, bác sĩ Phương Lan chia sẻ thêm.

Theo kết quả một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước do GS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, làm chủ đề tài, khoảng 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam hiếm muộn. Con số này tương đương với 1 triệu cặp cần được hỗ trợ sinh sản. Cũng theo các chuyên gia về sản phụ khoa và hiếm muộn, chỉ có khoảng 40% nguyên nhân vô sinh có thể giải quyết được bằng điều trị thuốc hoặc phẫu thuật, còn lại 60% là cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại. Thời gian vô sinh càng kéo dài, việc điều trị càng phức tạp, chi phí cũng càng lớn. Chính vì thế, theo bác sĩ Phương Lan, khi các cặp vợ chồng sau 1 năm gần nhau hoặc sau 6 tháng khi người vợ trên 35 tuổi mà chưa có tin vui thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để sớm tìm được cách chữa trị hiệu quả nhất.

Bài, ảnh: THU HƯƠNG