Cảnh báo kháng thuốc kháng sinh

Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận một bệnh nhi 14 tháng tuổi, bị viêm phổi kéo dài do nhiễm trực khuẩn mủ xanh. Kết quả kháng sinh đồ cho thấy bệnh nhi kháng với tất cả các loại kháng sinh mới nhất, mạnh nhất đang được sử dụng điều trị loại nhiễm khuẩn này, diễn tiến bệnh ngày càng xấu. Để cứu sống bệnh nhi, các bác sĩ ở đây đã phải sử dụng Colisin-một loại kháng sinh mà bệnh viện đã dừng sử dụng nhiều năm nay. Theo một cố vấn chuyên môn của bệnh viện, loại kháng sinh này trên thế giới cũng như Việt Nam đã dừng sử dụng vì có nhiều độc tố gây suy thận, nhưng nếu không sử dụng thì bệnh nhi sẽ nguy kịch... Thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi dù mới vài tháng tuổi nhưng đã kháng với hầu hết các loại kháng sinh thế hệ mới. Nhìn vào kết quả kháng sinh đồ của những bệnh nhi này, các bác sĩ buộc phải chọn kháng sinh kết hợp hoặc tăng hàm lượng sử dụng, dù biết có nhiều tác dụng phụ.

Tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tình trạng kháng kháng sinh diễn ra khá phổ biến. Trong đó, các bệnh viện tuyến cuối thường xuyên tiếp nhận những ca nhiễm khuẩn nặng, đa kháng nhiều loại kháng sinh, gây khó khăn trong công tác điều trị. Theo các chuyên gia y tế, chính thói quen mua thuốc không cần đơn của người dân là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh như hiện nay. Dược sĩ Hồ Thị Ngọc Diệu, Khoa Dược, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết: “Cách sử dụng kháng sinh mua tại các hiệu thuốc không có đơn rất dễ gây ra tình trạng kháng thuốc, vì không biết bệnh nhân mắc chủng vi khuẩn nào, kháng sinh đó có phù hợp với chủng vi khuẩn đó hay không”. Ghi nhận của phóng viên tại nhiều hiệu thuốc trên địa bàn thành phố cho thấy, tình trạng mua thuốc không có đơn vẫn diễn ra phổ biến. Ngay cả những loại kháng sinh mạnh cũng chỉ cần nói tên là mua được, thậm chí người mua không yêu cầu kháng sinh cũng được bán kháng sinh. Nhiều người bán thuốc đã thay vai trò của bác sĩ, tự chẩn đoán bệnh và kê đơn.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, đến năm 2050, ở châu Á, khoảng 50 triệu người sẽ tử vong mỗi năm do kháng thuốc kháng sinh. Tổ chức này dự báo số người tử vong do kháng kháng sinh có thể vượt qua số người tử vong do ung thư. Tại Việt Nam đã xuất hiện các loại vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. 

Quản lý, sử dụng kháng sinh đúng cách

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phù hợp với Kế hoạch hành động toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về kháng thuốc kháng sinh. Năm 2018, thực hiện khẩu hiệu "Kháng sinh: Sử dụng có trách nhiệm" trong "Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh”, Bộ Y tế đã thực hiện cách tiếp cận mới trong truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh. Các chương trình tuyên truyền về sử dụng thuốc kháng sinh cũng được tổ chức tại nhiều nơi nhằm nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh, đặc biệt là tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh đúng cách và có trách nhiệm. Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; không yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế nói không cần sử dụng kháng sinh; luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh; ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chế biến thức ăn hợp vệ sinh, tiêm vắc-xin đầy đủ... 

Căn cứ vào chương trình hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc do Bộ Y tế ban hành, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, sở thành lập ban chỉ đạo phòng, chống kháng thuốc; tập huấn cho các bệnh viện về quản lý sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý; tiến hành khảo sát dữ liệu vi sinh và tình hình kháng thuốc tại các bệnh viện; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bán thuốc kháng sinh tại cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thành phố...

Bên cạnh việc tuyên truyền sử dụng kháng sinh đúng cách và hợp lý trong cộng đồng, tại TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều địa phương trên cả nước, nhiều bệnh viện đang tích cực triển khai các chương trình giám sát và sử dụng kháng sinh bằng phần mềm quản lý. Theo đó, các bệnh viện thực hiện phân tầng, lấy mẫu bệnh phẩm, chỉ định kháng sinh theo phác đồ điều trị để quản lý việc sử dụng kháng sinh một cách chặt chẽ. Ngay từ khâu chẩn đoán bệnh, kê toa của bác sĩ đã có sự giám sát của dược sĩ lâm sàng. Nhờ có chương trình giám sát nên các bác sĩ dễ dàng kê đơn và tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị. Trong thời gian tới, các bệnh viện tuyến trên sẽ tiếp tục tập huấn mở rộng hiệu quả của chương trình giám sát sử dụng kháng sinh này cho các bệnh viện tuyến dưới để tất cả bệnh viện đều sử dụng kháng sinh hợp lý, nhằm kéo giảm tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

HOÀNG NGÂN