Ngày 27-10, Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) tổ chức buổi lễ ra mắt giai đoạn 1 tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030, một trong những định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ là việc nghiên cứu phát triển nguồn thảo dược, sản xuất các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Viện Thực phẩm chức năng ra mắt là minh chứng cho quá trình nỗ lực vươn mình phát triển, để có thể trở thành 1 trong 5 viện khoa học hàng đầu ASEAN về nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên và đặc biệt là nguyên liệu có nguồn gốc công nghệ sinh học.

"Tôi hy vọng, Viện Thực phẩm chức năng sẽ là một trong những cơ sở hàng đầu trong cả nước triển khai nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng, các nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên và các hoạt chất công nghệ sinh học; chuyển giao công nghệ cho các đơn vị và doanh nghiệp trong và ngoài nước, kết nối các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh.

leftcenterrightdel

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại lễ ra mắt Viện Thực phẩm chức năng. 

Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là dược liệu, hoạt chất sinh học có trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Nếu như các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe ở nước ngoài thuần vitamin, khoáng chất hoặc chỉ dược liệu thì các sản phẩm này của Việt Nam có sự phối kết hợp của vitamin, chất khoáng, hoạt chất sinh học, thảo dược. Bởi vậy, các sản phẩm nội địa có tác dụng nhanh, bền vững hơn so với thế giới.

Kể từ khi có Hiệp hội Thực phẩm chức năng, tỷ lệ tiếp cận của người dân Việt Nam với các thực phẩm bảo vệ sức khỏe lên tới 80%. Nếu như công nghiệp dược hiện nay nhập khẩu tới 99%, Việt Nam chỉ gia công đóng gói thì thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện chỉ nhập khẩu 40%, điều đó cho thấy chúng ta đã chủ động về nguyên liệu. Để dẹp loạn tình trạng các sản phẩm nhái nhãn mác, nhái công nghệ sản xuất của các sản phẩm bảo vệ sức khỏe chất lượng, hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo quy chuẩn về các giới hạn các chất ô nhiễm có trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tới đây, Bộ Y tế có thể đặt ra tiêu chuẩn bảo vệ chất lượng với thực phẩm bảo vệ sức khỏe như các sản phẩm thuốc. 

HÀ VŨ