Từ năm 2000, tỷ lệ tử vong ở trẻ em đã giảm hơn một nửa và tỷ lệ thai chết lưu giảm hơn một phần ba, nhờ vào những khoản đầu tư bền vững vào việc bảo vệ sự sống còn của trẻ em trên toàn cầu. Vào năm 2022, thế giới đã đạt được một cột mốc quan trọng khi số ca tử vong ở trẻ em lần đầu tiên giảm xuống dưới 5 triệu. Tuy nhiên, tiến trình này đã chững lại và vẫn còn quá nhiều trẻ em tử vong vì những nguyên nhân hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
Tiến bộ của nhiều thập kỷ trong việc cải thiện sự sống còn của trẻ em hiện đang đối mặt với nguy cơ khi các nhà tài trợ lớn đã công bố hoặc có kế hoạch cắt giảm đáng kể viện trợ trong tương lai. Việc giảm viện trợ toàn cầu cho các chương trình cứu sống trẻ em dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế, đóng cửa các cơ sở y tế, gián đoạn chương trình tiêm chủng và thiếu hụt các vật tư thiết yếu như thuốc điều trị sốt rét. Những cắt giảm này ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các khu vực đang diễn ra khủng hoảng nhân đạo, các quốc gia nợ nhiều và những vùng có tỷ lệ tử vong trẻ em cao. Việc giảm viện trợ toàn cầu cũng có thể làm suy yếu những nỗ lực trong công tác giám sát và theo dõi, khiến việc tiếp cận tới những trẻ em dễ bị tổn thương nhất trở nên khó khăn hơn, theo cảnh báo của Nhóm công tác Liên hợp quốc.
 |
Ảnh minh họa: tapchibaohiemxahoi.gov.vn |
Ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, những tiến bộ trong việc cứu sống trẻ em đã chậm lại. Từ năm 2015, tỷ lệ giảm tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi hằng năm đã chậm lại 42%, trong khi tỷ lệ giảm thai chết lưu đã chậm lại 53% so với giai đoạn 2000-2015. Gần một nửa số ca tử vong trẻ dưới 5 tuổi xảy ra trong tháng đầu đời, chủ yếu do sinh non và các biến chứng trong quá trình sinh nở. Sau giai đoạn sơ sinh, các bệnh truyền nhiễm bao gồm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính như viêm phổi, sốt rét và tiêu chảy là những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em mà hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Đồng thời, 45% trường hợp thai chết lưu muộn xảy ra trong quá trình sinh nở, thường do nhiễm trùng mẹ, chuyển dạ kéo dài, khó khăn hoặc thiếu sự can thiệp y tế kịp thời.
Các báo cáo chỉ ra rằng, việc tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có chất lượng ở mọi cấp độ của hệ thống y tế có thể cứu sống rất nhiều trẻ em. Các báo cáo cũng cho thấy nơi một đứa trẻ được sinh ra ảnh hưởng rất nhiều đến cơ hội sống sót.
Các thành viên UN IGME kêu gọi các chính phủ, các nhà tài trợ và đối tác trong khu vực tư nhân và khu vực công cùng bảo vệ những thành quả đã đạt được và đẩy nhanh các nỗ lực trong việc cứu sống trẻ em. Tăng cường đầu tư, tích hợp dịch vụ và đổi mới là cần thiết để mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, dinh dưỡng và an sinh xã hội đã được chứng minh là có hiệu quả cho trẻ em và phụ nữ mang thai.
AN NHIÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.