Đặc biệt tại Việt Nam, từ khi nới lỏng giãn cách xã hội số ca mắc trong cộng đồng gia tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong khi đối tượng trẻ em lứa tuổi đi học chưa được tiêm chủng nhiều. Đây cũng chính là mối lo của không ít những bậc phụ huynh do đó việc tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết.

Theo Bộ Y tế, việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được thực hiện từng bước theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp đầu tiên tiêm vắc xin cho lứa tuổi 16-17 tuổi trước sau đó mới tiêm cho nhóm tuổi thấp hơn từ 12 đến 15 tuổi.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: TTXVN 

Cũng như các virus gây bệnh đường hô hấp khác, khi trẻ nhiễm Covid-19 cũng đối diện với nguy cơ: Viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng xoang, tai và đặc biệt là hội chứng viêm đa cơ quan có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, so với người lớn, khi trẻ mắc Covid-19 thì triệu chứng thường nhẹ và nhanh khỏi hơn. Những trẻ có nguy cơ trở nặng thường là những trẻ có bệnh nền, chẳng hạn: Tiền sử nhiều bệnh lý phức tạp; bệnh nền thần kinh, rối loạn chuyển hóa; bệnh tim bẩm sinh; béo phì; bệnh đái tháo đường; bệnh hen suyễn hoặc các bệnh phổi mạn tính khác; bệnh hồng cầu hình liềm; suy giảm miễn dịch.

Trước khi tiêm vắc xin Covid-19, trẻ nên ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ nước, không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc, tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi thực hiện chủng ngừa, các chuyên gia y tế nhấn mạnh việc sàng lọc những trường hợp trẻ có bệnh nền, có tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vắc xin hay bất kỳ dị nguyên nào khác trước khi tiêm là rất quan trọng.

Sau khi tiêm vắc xin, trẻ cần phải ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, trẻ cần tiếp tục tự theo dõi ít nhất 7-28 ngày sau tiêm tại nhà, thông báo bác sĩ ngay nếu nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều…

Nhiều câu hỏi của cha mẹ băn khoăn về việc tiêm vắc xin của em trẻ em có khác so với người lớn hay không, đặc biệt là về liều lượng, theo TS Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, đối với vắc xin phòng Covid-19, việc tiêm sẽ không tính theo thể trọng mà tính theo mức độ đáp ứng miễn dịch tức là với liều bao nhiêu thì nó sẽ tạo ra đáp ứng miễn dịch mong muốn. Do đó các nghiên cứu được thực hiện sẽ tìm liều lượng thấp nhất mà có thể tạo ra đáp ứng miễn dịch.

Cũng theo TS Nguyễn Huy Luân, với trẻ em lứa tuổi nhỏ hơn thường cần mức độ kháng nguyên cao, tuy nhiên lứa 16-17 tuổi  khá gần với người lớn, do đó độ tuổi này đáp ứng miễn dịch tương đối hoàn chỉnh. Nhóm này đang là nhóm tạo ra đáp ứng miễn dịch khá tốt, thường trên nhóm này cần liều lượng kháng nguyên vừa phải không cần liều lượng kháng nguyên cao để tạo ra đáp ứng miễn dịch.

Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em là cách thức hiệu quả để tăng độ bao phủ miễn dịch cộng đồng. Song song chủ động chủng ngừa Covid-19 sớm, trẻ em và người lớn cùng tuân thủ khuyến cáo 5K + T5 để đồng lòng chống dịch, tạo “lá chắn thép” an toàn trước đại dịch.

THÁI AN (tổng hợp)