Vắc xin này đã được Bộ Y tế phê duyệt để tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em không chỉ phòng ngừa mắc bệnh, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tỷ lệ tử vong và giảm tỉ lệ lây lan dịch bệnh mà tiêm vắc xin còn là biện pháp hiệu quả nhằm phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn, phổ biến là đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm. Trẻ cũng có thể bị ớn lạnh, sốt, mệt mỏi. Tuy nhiên chuyên gia lưu ý đối với vắc xin Pfizer, thường sau tiêm mũi thứ 2 sẽ xảy ra phản ứng nhiều hơn mũi 1.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa Bộ Y tế. 

Các phản ứng phụ nhẹ có thể xảy ra sau 1-2 ngày: Trẻ thấy đau tại vùng tiêm, sưng, thay đổi màu sắc (đỏ, tím tại chỗ tiêm), mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau khớp, ớn lạnh, sốt nhẹ. Đây là những  phản ứng thông thường nên cha mẹ và trẻ không quá lo lắng.

Đối với các phản ứng này, cha mẹ nên khuyên con hạn chế cử động vùng tiêm để giảm bớt triệu chứng. Có thể dùng thuốc hạ sốt để uống khi sốt/giảm đau.

Các phản ứng sau tiêm thường xuất hiện trong vòng 30 phút hoặc 24 giờ sau tiêm, một số trường hợp có thể kéo dài 72 giờ. Vì thế cần theo dõi kĩ trong ba ngày đầu để ý những phản ứng nguy hiểm xảy ra sau tiêm với trẻ.

Ngoài ra, có thể xuất hiện tình trạng mặc dù là không phổ biến như: Nổi mề đay, sưng hạch cổ họng/miệng, khó thở, lơ mơ, ngủ gà ngủ gật, sốt cao trên 40 độ, co giật hoặc tê bì tay chân. Khi có những phản ứng này cần báo ngay với đơn vị tiêm hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử lý.

Bên cạnh đó, cần theo dõi triệu chứng sau tiêm (ít xảy ra) như: Tức ngực, khó thở, đánh trống ngực... Khi xuất hiện các triệu chứng trên các em cũng nên thông báo sớm cho cha mẹ hoặc người giám hộ được biết.

Thông tin về phản ứng phụ sau tiêm vắc xin Covid-19 ở trẻ nhỏ, PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết hiện không có báo cáo liên quan đến tử vong với tất cả trường hợp viêm cơ tim sau tiêm vắc xin Covid-19. Vì vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch và tập huấn cho các cơ sở y tế để chuẩn bị thật tốt cho tình huống có ca phản ứng viêm cơ tim, mặc dù tỉ lệ rất thấp. "Các gia đình không nên lo lắng vì trong quá trình tiêm, trẻ cũng sẽ được theo dõi cẩn thận, xử lý kịp thời nếu có tình huống phát sinh", PGS, TS Trần Minh Điển nói.

Với các trường hợp có chỉ định tiêm chủng tại bệnh viện, PGS, TS Trần Minh Điển cho biết nhóm này gồm có các trẻ mang bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có phản ứng phản vệ độ 3 ở bất kỳ dị nguyên nào hoặc nghe tim phổi thấy bất thường. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khuyến cáo, phải đặc biệt lưu ý đến nhóm trẻ có bệnh nền khi tiêm chủng.

PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia khuyến cáo, trong ít nhất 3 ngày đầu sau tiêm cho trẻ, cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo cần yêu cầu trẻ tránh vận động mạnh, hoạt động thể thao cường độ cao. Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo dinh dưỡng sau tiêm cũng cần được lưu tâm. Cho trẻ ăn uống đầy đủ các nhóm chất đạm, protein, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, trái cây... tránh hoạt động mạnh quá mức, không tập luyện nặng....

MINH CHÂU (tổng hợp)