Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, từ khi bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh, trung bình một ngày, đơn vị tiếp nhận khoảng 200 ca bệnh tại TP Hạ Long và các cơ sở y tế tuyến dưới chuyển đến.
Để đảm bảo nhu cầu khám bệnh, đơn vị đưa ra các phương án phòng chống dịch, vừa thực hiện các điều kiện khám chữa bệnh tại chỗ. Thực hiện giảm tải các ca bệnh nhẹ ra viện và ưu tiên các ca bệnh thực sự cần thiết cấp cứu sẽ ở lại.
Mưa lớn kéo dài sau bão số 3 gây ngập lụt nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Đây là điều kiện có thể làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, ngành Y tế Quảng Ninh đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trong và sau mưa lũ.
Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh tổ chức lớp tập huấn công tác y tế, hướng dẫn xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh sau mưa, lũ. Theo đó, các cán bộ y tế theo dõi công tác phòng, chống dịch bệnh của các bệnh viện, phòng y tế, trung tâm y tế của 13 địa phương trong tỉnh tham gia tập huấn trực tuyến về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ như đau mắt đỏ, nấm kẽ chân, viêm đường hô hấp, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt là các bệnh đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn)…; công tác bảo đảm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người dân; hướng dẫn xử lý nguồn nước và vệ sinh môi trường ứng phó với bão, lũ lụt; kỹ thuật sử dụng máy phun và công tác phun khử khuẩn trong phòng, chống dịch; xử trí sơ cứu, cấp cứu ban đầu và vận chuyển người bệnh an toàn đối với một số dạng chấn thương, tai nạn thường gặp.
CDC Quảng Ninh cũng thành lập 2 đoàn công tác thực hiện giám sát, đánh giá công tác ứng phó sau bão số 3 và mưa lũ kéo dài trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường sau bão số 3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (CDC Quảng Ninh) đã thành lập đoàn giám sát đánh giá công tác ứng phó sau bão số 3 và mưa lũ kéo dài trên địa bàn tỉnh.
Đối với các bệnh viện, Trung tâm Y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm. Tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh, thực hiện các biện pháp khống chế hiệu quả không để dịch bệnh bùng phát tại các vùng có mưa lớn, ngập lụt…
NGUYỄN CÚC (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.