 |
PGS, TS Nguyễn Hoàng Long. Ảnh: QUANG MINH |
Phóng viên (PV): Thưa ông, hiện nay có bao nhiêu người nhiễm HIV/AIDS điều trị bằng thuốc ARV từ bảo hiểm y tế (BHYT)?
PGS, TS Nguyễn Hoàng Long: Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, 9 tháng đầu của năm 2019, cả nước có 7.779 trường hợp nhiễm HIV, đưa tổng số người có HIV là khoảng 250.000 người. Tính đến tháng 10-2019, số người nhiễm HIV/AIDS điều trị thuốc ARV từ Quỹ BHYT là 41.191 người, trong đó 9 tỉnh đạt tỷ lệ bao phủ 100%, như: Tuyên Quang, Kon Tum, Bình Định, Hà Giang, Hưng Yên...
Các địa phương đã chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV từ việc truyền thông, hỗ trợ người nhiễm HIV cũng như kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được với Quỹ BHYT. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế cũng đã và đang chung tay hỗ trợ Việt Nam trong triển khai BHYT cho người nhiễm HIV không chỉ về kỹ thuật mà cả bằng những nguồn tài chính quan trọng. Để được hưởng quyền lợi BHYT tốt nhất, người bệnh cần phải tham gia BHYT liên tục, không làm gián đoạn để ảnh hưởng đến quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB); đi KCB theo đúng nơi đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ, xuất trình đầy đủ thủ tục. Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được KCB tại bất kỳ cơ sở y tế nào và phải xuất trình thẻ bảo hiểm cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện. Tình trạng cấp cứu do bác sĩ quyết định. Khi đó, người tham gia BHYT sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi như đi KCB theo đúng quy định.
 |
Xét nghiệm HIV tại TP Cần Thơ.Ảnh: QUANG MINH |
PV: Được biết, dự kiến trong năm 2020, Bộ Y tế sẽ thực hiện thí điểm điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone là phát thuốc về nhà, thay vì ngày nào cũng đến cơ sở y tế uống thuốc. Điều này liệu có bảo đảm được sự tự giác cai nghiện không, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Hoàng Long: Nguyên nhân Bộ Y tế cho thực hiện thí điểm cách điều trị trên là do tỷ lệ người nghiện bỏ điều trị Methadone có xu hướng tăng, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, những vùng giao thông đi lại khó khăn, người bệnh hằng ngày phải đi đến các cơ sở y tế để uống thuốc sẽ gặp nhiều trở ngại. Các báo cáo cho thấy bệnh nhân ở xa cơ sở điều trị Methadone từ 5km trở lên bỏ điều trị nhiều gấp 3 lần so với bệnh nhân ở gần cơ sở điều trị. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã trình Bộ Y tế phương án thí điểm mô hình cho người điều trị Methadone được mang thuốc về nhà uống hằng ngày. Dự kiến mô hình này sẽ được thí điểm ở các tỉnh miền núi từ tháng 7-2020 sau khi được các địa phương đồng thuận. Sẽ có những hướng dẫn cụ thể khi triển khai mô hình này để làm sao bệnh nhân được sử dụng thuốc đúng mục đích, tạo thuận lợi cho người bệnh.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thực hiện mô hình này cách đây khoảng 20 năm. Người bệnh được mang thuốc về nhà điều trị dài nhất là trong vòng một tháng. Trước đó, Bộ Y tế đã triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine tại 7 địa phương, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền núi. Kết quả đánh giá cho thấy hiệu quả của điều trị Buprenorphine có nhiều ưu điểm, như: Thuốc được sử dụng bằng cách ngậm dưới lưỡi, có tác dụng kéo dài (72 giờ), do vậy từ 2 ngày đến 3 ngày người bệnh mới phải đến cơ sở y tế để sử dụng thuốc thay vì phải đến uống thuốc hằng ngày. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đã được triển khai ở hơn 80 quốc gia, trong đó Methadone và Buprenorphine là hai loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất.
PV: Năm nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đưa ra những hoạt động gì để Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS phát huy hiệu quả cao nhất, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Hoàng Long: Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS bắt đầu từ ngày 10-11 cho đến 10-12, với chủ đề "Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS". Mục đích của tháng hành động nhằm huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Đồng thời, tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm và phát hiện điều trị sớm HIV/AIDS cho những người dễ bị tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa; nâng tỷ lệ BHYT cho các đối tượng người bị nhiễm HIV. Đặc biệt, các hoạt động năm nay sẽ hướng đến mục tiêu giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm căn bệnh này. Đồng thời, tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV đến mọi người dân.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
DIỆP CHÂU - KHÁNH LINH (thực hiện)