Đề án Cấp cứu Ngoại viện là dự án trọng điểm cấp quốc gia nhằm xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện đồng bộ, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng cấp cứu y tế và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ khẩn cấp cho người dân trên toàn quốc.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế rất quan tâm đến công tác cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc trong viện trong đó có cấp cứu ngoại viện, coi công tác cấp cứu ngoại viện là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Y tế.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo. 

Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1,2 triệu tai nạn thương tích, trong đó có hơn 10.000 trường hợp tử vong hoặc di chứng do không được cấp cứu kịp thời. Nhu cầu nâng cao năng lực cấp cứu trước viện cho đại bộ phận người dân, nhất là lực lượng tuyến đầu, lực lượng vũ trang càng đặc biệt cấp thiết khi liên tục phải ứng phó với các đợt thiên tai, dịch bệnh quy mô lớn.

Việc triển khai Đề án cấp cứu ngoại viện là bước tiến quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe và cấp cứu khẩn cấp cho người dân, mở ra hy vọng sống sót và an toàn cho hàng triệu người trong tương lai. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa và nhân văn, khẳng định trách nhiệm xã hội và tinh thần phụng sự cộng đồng luôn nhất quán của Vingroup kể từ khi thành lập.

Đồng chí Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, đồng chí Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý khám chữa bệnh, hằng năm có hàng nghìn ca tử vong ngoại viện.

Theo đồng chí Hà Anh Đức, tại các quốc gia phát triển, hệ thống cấp cứu ngoại viện đã thực hiện rất lâu, còn tại Việt Nam hiện Bộ Y tế xây dựng hoàn thiện để đưa vào đề án phát triển cấp cứu ngoại viện, hướng tới mục tiêu cứu sống thêm nhiều người bệnh.

Dự kiến đề án gồm 3 vấn đề là: Cấp cứu tại hiện trường (đào tạo phổ cập cấp cứu tại nhà, cộng đồng, cháy nổ hay do tai nạn giao thông...); vận chuyển người bệnh (chuẩn hóa thiết bị, tăng cường hệ thống xe cấp cứu...) và liên thông thông tin giữa người được cấp cứu và cơ sở y tế tiếp nhận.

Ngay khi tiếp nhận ca cấp cứu, xác định tình trạng người bệnh, hệ thống điều phối sẽ cung cấp thông tin, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có đủ điều kiện và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nhất.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số nội dung quan trọng như: Triển khai Kế hoạch số 283/KH-BYT ngày 11-3-2025 của Bộ Y tế về Kế hoạch Xây dựng Đề án Cấp cứu Ngoại viện giai đoạn 2025-2030; dự thảo đề cương đề án; đề xuất phương án, kế hoạch triển khai thí điểm Đề án Cấp cứu Ngoại viện tại bốn tỉnh: TP Hải Phòng, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kiên Giang.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp giúp Bộ Y tế hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn và phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện.

MINH TRANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.