Cung... không đáp ứng được cầu

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, ở nước ta có hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi… và hơn 300.000 người có các bệnh lý liên quan đến giác mạc đang chờ được ghép mô, tạng. Trong số những người chờ, rất nhiều người đã qua đời vì không có tạng để ghép.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, để tăng nguồn tạng ghép cần tăng tỷ lệ hai nguồn ghép chính là nguồn tạng từ người cho cùng huyết thống và người cho chết não. Đối với trường hợp người thân tình nguyện cho bệnh nhân nhưng nếu bệnh nhân có kháng thể kháng lại mô, tạng của người cho thì nguy cơ thải ghép sau ghép rất cao. Vì vậy, tăng tỷ lệ từ người cho chết não được xem là phương án tối ưu. Thế nhưng từ năm 2006 đến nay, cả nước có gần 2.000 người được ghép tạng, trong đó nguồn tạng chủ yếu từ người đang sống. Đây quả là một nghịch lý, bởi hầu hết các ca ghép tạng trên thế giới đều từ những người cho chết não. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày ở nước ta có 24 người chết vì tai nạn giao thông, trong số đó không ít người chết não, tạng của họ có thể cứu sống được nhiều người khác nhưng nhiều gia đình không đồng ý hiến tạng cho bệnh viện. Ví dụ, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) mỗi ngày có 2-3 bệnh nhân chết não có thể hiến tạng, nhưng 5 năm qua chỉ có gần 30 trường hợp hiến tạng. Tạng của một người chết não có thể cứu sống được 10 người khác.

leftcenterrightdel
Anh Lê Hữu Toàn (đứng giữa), 24 tuổi, sau hành trình 43 ngày một mình đạp xe từ Cà Mau ra Hà Nội và đến Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tạng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người-Bộ Y tế cho biết: “Nguyên nhân của tình trạng thiếu trầm trọng mô, tạng là do chúng ta chưa biết, chưa hiểu, chưa có cơ hội hay đơn giản hơn nữa là không có thông tin. Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu một hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, khả thi để tác động, định hướng và thúc đẩy hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người”.

Được biết, một người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não) và hiến xác. Một người khỏe mạnh có thể hiến một quả thận hoặc một phần gan cho người khác… Những người cao tuổi vẫn có thể hiến tặng một phần tạng và giác mạc sau khi chết, chết não. Khi bị chết não, bệnh nhân không hoàn toàn tự thở được, chức năng tim, gan hoạt động đều nhờ hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại nhất, nhưng dù được hồi sức tích cực bao nhiêu cũng chỉ kéo dài cuộc sống được 3-4 ngày là cùng. Vì vậy, khi hiểu được người chết não không còn cơ hội sống thì việc hiến tạng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Hiến mô, tạng là một nghĩa cử cao đẹp, nối dài những yêu thương. Nếu hiểu được sâu sắc rằng, chết là một sự tất yếu, một ngày nào đó sẽ tới và khi một người không may ra đi nhưng một phần cơ thể của họ còn có ích, mang lại sự hồi sinh cho những người bệnh đang cận kề cái chết, thì đó là điều vô cùng ý nghĩa và thiêng liêng. Nghĩa cử này cũng không trái với các tôn giáo, bởi không có tôn giáo nào phản đối việc hiến tặng mô, tạng cứu người. Vậy tại sao chúng ta không thay đổi quan niệm và thực hiện?

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Năm 2006, Quốc hội ban hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Không thể phủ nhận vai trò to lớn của luật đã tạo ra hành lang pháp lý, giúp ngành y tế phát triển, giúp bác sĩ, bệnh viện tiếp cận sâu hơn về kỹ thuật cao trong vấn đề ghép tạng. Thế nhưng đến nay, số tạng lấy và ghép được còn hạn chế.

Chia sẻ với chúng tôi, Giáo sư, Tiến sĩ, Thiếu tướng Lê Trung Hải, Phó cục trưởng Cục Quân y cho biết: “Ở Mỹ, thông tin của người đăng ký hiến tạng được tích hợp trong bằng lái xe và khi chẳng may bị chết não, bác sĩ có quyền lấy tạng theo nội dung đã đăng ký mà không phụ thuộc vào nguyện vọng của gia đình. Hay ở một số nước khác, một người tuổi thành niên không đăng ký từ chối hiến tạng thì mặc định hiểu họ là người tình nguyện cho tạng”.

leftcenterrightdel
Toàn thể các thầy thuốc trong ê kíp ghép tạng cúi đầu bày tỏ sự trân trọng đối với chàng trai nằm trên bàn mổ trước khi lấy tạng trong ca điều phối ghép tạng xuyên Việt lần 2 (ngày 26 và 27-4-2016). 
Thiếu tướng Lê Trung Hải cũng đề nghị, cần có quy định quan tâm hơn đến người cho; trình độ, trang thiết bị, máy móc chuyên ngành, cơ sở hạ tầng cần được đầu tư hơn nữa; đồng thời cần truyền thông hiến tặng mô, tạng bằng chương trình tổng thể, sâu sắc, liên tục đến mọi lĩnh vực, đối tượng trong xã hội để mọi người đều hiểu, thay đổi quan niệm và thực hiện. Người hiến tạng ở Việt Nam hiện khác với các nước, thường không muốn xuất hiện vì sợ dị nghị, vì thế việc vinh danh những người hiến tạng để vừa tri ân lại vừa nhân rộng không thể thực hiện được. 

Ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết: “Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 hiện đã bộc lộ nhiều bất cập. Đơn cử, Nhà nước và ngành y tế đang thúc đẩy, khuyến khích việc tình nguyện hiến tặng mô, tạng nhưng để thực hiện, người hiến tặng tất yếu phải trải qua một loạt xét nghiệm y học nghiêm ngặt, chặt chẽ để bảo đảm tính tương thích giữa người hiến và người ghép nhưng kinh phí xét nghiệm lại do người tình nguyện chi trả, cho dù người đó có thẻ bảo hiểm y tế hay không cũng không được thanh toán. Đây thực sự là một lỗ hổng về chính sách để khuyến khích đối với người hiến tặng mô, tạng khi còn sống, trong khi họ đã không có bất kỳ lợi ích vật chất nào để bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe”.

Đã có nhiều câu chuyện xúc động về hiến tạng được truyền thông đưa tin, như: Bà Ngần ở Hà Nội, bà Mừng ở Lâm Đồng đã đồng ý hiến tạng của con bị chết não; hay mẹ con bà Thảo, chị Hòa ở Bắc Ninh, mỗi người đã tình nguyện hiến một quả thận… Đây là những tấm gương, là động lực, niềm tin góp phần lan tỏa, thăng hoa những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Hy vọng thời gian tới, với sự tuyên truyền mạnh mẽ, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội và những thay đổi trong chính sách, pháp luật, sẽ có nhiều người đăng ký hiến tặng mô, tạng hơn. Khi xã hội có nhiều người như thế, sẽ tạo được một "dòng chảy" văn hóa tặng, hiến.

leftcenterrightdel
  Ca ghép tạng điều phối xuyên Việt lần 1 (ngày 4 và 5-9-2015).

Về nguyên tắc, để đăng ký hiến mô, tạng trước và sau khi chết, chết não, người dân có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào gần nhất để bày tỏ ý nguyện. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có hai nơi chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyê%3ḅn vọng đăng ký hiến tạng cứu người của người dân, gồm:

1- Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Điện thoại: (84-8) 38554137 xin số 1184 hoặc 1284 (84-8) 39560139. Điện thoại 24/24 giờ: 0913677016. Email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com; https://www.choray.vn

2- Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Địa chỉ: 40 Tràng Thi, Hà Nội. Điện thoại: (84-4) 39386692. Điện thoại 24/24 giờ: 0915060550. Email: gheptang@vncchot.vn.

Sắp tới, ngành y tế có thể mở rộng hơn các cơ sở đăng ký hiến tạng.

 

 

Bài và ảnh: KIM DUNG