Phóng viên báo QĐND Online đã có cuộc trò chuyện với PGS, TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức về vấn đề trên.

Ghép tạng Việt Nam tạo ra điều kỳ diệu

Phóng viên (PV): Thành công của ngành ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức nói riêng và Việt Nam nói chung thời gian qua được Nhà nước và người dân rất khen ngợi, ông có thể cho biết, thế giới nhìn nhận sao về vấn đề này tại Việt Nam như thế nào?

PGS, TS Nguyễn Hữu Ước: Ngành ghép tạng của Việt Nam nói chung và của Bệnh viện Việt Đức nói riêng đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm qua. Hiện Bệnh viện Việt Đức đã ghép tạng thành công cho 13 ca tim và 30 ca gan... Thành công của ngành ghép tạng Việt Nam là một kỳ tích khiến bạn bè trên thế giới rất ngạc nhiên, bởi ghép tạng là một ngành rất phức tạp và dành cho các nước phát triển, trong đó ngoại khoa là chuyên ngành then chốt, vì có liên quan chặt chẽ đến nhiều khâu kỹ thuật lấy và ghép tạng. Tức là với tất cả các trường hợp ghép tạng (gan, thận, tim …) đều do các bác sĩ phẫu thuật trực tiếp thực hiện. Nhưng để ghép tạng thành công, thì đòi hỏi sự tham gia và tính đồng bộ của rất nhiều chuyên ngành khác, như: Nội khoa (tuyển chọn bệnh nhân, theo dõi sau mổ), gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, miễn dịch (điều trị thải ghép), giải phẫu bệnh, tâm lý học... Như vậy, các bác sĩ ngoại khoa trong các lĩnh vực gan, mật, tiết niệu, tim mạch… không thể tự thực hiện được các trường hợp ghép tạng nếu không có sự đồng hành của các chuyên ngành khác (tất cả tập trung lại thành một nhóm công tác, gọi đơn giản là nhóm ghép tạng)... Tuy nhiên, ở Việt Nam trước đây, cụ thể tại Bệnh viện Việt Đức trước thời điểm phát triển mạnh ghép tạng, thì còn thiếu hụt hoặc phát triển chưa đồng đều của nhiều chuyên ngành cần thiết cho ghép tạng. Cụ thể là các lĩnh vực phẫu thuật gan mật, tim mạch, tiết niệu (3 chuyên khoa chính trong ghép tạng) đã phát triển rất mạnh, đạt trình độ ngang với các nước trong khu vực, trong khi các lĩnh vực nội khoa (tiết niệu, gan mật, miễn dịch, tim mạch…) thì vẫn chưa có, thiếu hoặc phát triển chưa mạnh. Do vậy ở thời kỳ đầu của ghép tim chẳng hạn, đã phải huy động sự trợ giúp về chuyên môn (nội tim mạch, can thiệp, xét nghiệm hòa hợp tổ chức) cũng như trang thiết bị của nhiều đơn vị bạn… Cho đến nay, sau gần 6 năm đẩy mạnh hoạt động ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức đã có đầy đủ các chuyên ngành, đơn nguyên và trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hầu hết các thể loại ghép tạng, nhưng số lượng vẫn còn thiếu. Ví dụ trong ca ghép xuyên việt lần thứ 2 của năm 2016, để hồi sức bệnh nhân sau ghép, do máy của Bệnh viện Việt Đức đang dùng cho bệnh nhân tim khác, nên bệnh viện đã phải huy động thêm máy bóng đối xung nội động mạch chủ từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108… Năng động và khắc phục khó khăn, thiếu thốn để phát triển kỹ thuật chuyên sâu là một điểm sáng trong ghép tạng của các bác sĩ Việt Nam, khiến các đồng nghiệp trên thế giới rất khâm phục.

leftcenterrightdel
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức xử lý tim hiến sau lấy tim.

PV: Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này không?

PGS, TS Nguyễn Hữu Ước: Khi ca ghép tim đầu tiên của Bệnh viện Việt Đức thành công rồi ghép tim trở thành phẫu thuật thường quy của Bệnh viện Việt Đức, rồi ghép tim “xuyên Việt”, rất nhiều bạn bè trên thế giới, nhất là những người đã học cùng tôi cách đây hơn 20 năm ở Pháp, đã liên lạc để chúc mừng. Có những người bạn đã rơi lệ vì chúng tôi đã thực hiện được ước mơ cháy bỏng từ thời còn du học, vì Việt Nam đã làm được điều kỳ diệu hiếm có trên thế giới. Trên thế giới, tình trạng tim ghép tốt nhất là 4 tiếng sau lấy tạng (tối đa là 10 tiếng), gan là 6 tiếng và thận là 8 tiếng; để đi lấy tạng ngoài bệnh viện, người ta có máy bay chuyên dụng và hầu hết chỉ đi trong vòng bán kinh tối đa 500km nhằm mục đích ghép tạng sớm ngay sau khi lấy. Chúng ta đi bằng máy bay dân dụng, từ nơi lấy tạng ra sân bay thì tắc đường, từ sân bay về bệnh viện ghép tạng thì đường xa, chuyến bay bị hoãn phải chờ đợi… trong khi không có thùng chứa tạng chuyên dụng để bảo quản tạng một cách chuẩn nhất. Nhưng trong cái khó, ló cái khôn, các bác sĩ Việt Nam đã sáng tạo ra thiết bị “hồi sức” bên ngoài thùng tạng để vừa ngồi trên máy bay vừa bơm dung dịch tiếp sức, bảo vệ cho tạng.

Bạn bè thế giới rất khâm phục và khó tưởng tượng được là tại sao với điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, điều kiện vật chất khó khăn, đời sống của y bác sĩ còn thấp… mà chúng ta không chỉ ghép tạng thành công mà còn duy trì tỷ lệ sống một năm sau ghép đạt 90%, cao ngang với các nước có nền y học tiên tiến. Đặc biệt, có những ca ghép được đánh giá là kỳ tích trong lịch sử ghép tạng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, ví dụ như ca ghép tim lần thứ 9. Người được chỉ định ghép là một cô gái 27 tuổi ở Yên Bái có quả tim lạc chỗ nằm bên phải và mang nhiều dị tật rất phức tạp, nên phải tới 3 tháng sau ca ghép vô cùng khó khăn về kỹ thuật, với những nỗ lực không mệt mỏi của các y, bác sĩ, gia đình và của chính người bệnh, quả tim mới đã thực sự hồi sinh, mang lại cuộc sống mới trong cơ thể 26 năm cầm cự chiến đấu với trái tim bệnh tật giúp cô phục hồi lại sức khỏe và sống thêm được gần 2 năm, trong khi tiên lượng sống trước khi ghép của cô chỉ tính bằng ngày.

Chạy đua với thời gian để hồi sinh sự sống

PV: Người ta thường đùa “bác sĩ mổ tim như mổ gà” không cảm xúc. Vậy khi lấy tim từ người cho chết não để ghép cho người bệnh đang thập tử nhất sinh, không rõ cảm xúc của các bác sĩ có thay đổi không?

PGS, TS Nguyễn Hữu Ước: Ghép tạng có thể coi là mối lương duyên tiền định giữa người cho chết não và người nhận. Ở đây hoàn toàn không thể có sự sắp đặt của bàn tay con người mà như một sự huyền bí rất khó lý giải. Bởi không dễ gì có được tạng, đặc biệt là tạng tim chỉ có thể lấy từ người cho chết não. Thực tế, 70-80% bệnh nhân đã chết là do không chờ được tim ghép và “ra đi” trong niềm tiếc nuối và khắc khoải. Tim được ghép phù hợp không thể biết trước, có người chết não hiến tặng, bao nhiêu bệnh nhân chờ nhưng tim không phù hợp thì cũng không lấy được. Ngược lại, có bệnh nhân đang thở máy chờ chết, bỗng nhiên lại có một quả tim phù hợp từ một người bị tai nạn giao thông chết não tại TP Hồ Chí Minh... Vì vậy, bất kỳ ca lấy và ghép tạng nào cũng chứa đầy cảm xúc, không ca nào giống với ca nào. Đặc biệt, chúng ta vẫn luôn quan niệm, tim còn đập là còn sự sống. Người chết não dù không còn khả năng để sống nhưng họ vẫn chưa chết hoàn toàn, khi tiến hành ca mổ, bệnh nhân chết não trở thành chết hoàn toàn. Do đó, trước thời gian bước vào rạch da, đại diện của kíp phẫu thuật nói lời chia tay và một phút mặc niệm dành cho người hiến. Trong giờ phút thiêng liêng này không ai có thể cầm được nước mắt. Người bác sĩ lúc này cùng với sự cảm động và trân trọng cũng mang trong mình áp lực và gánh nặng chuyển tải thông điệp, ước nguyện của người hiến và gia đình họ đến cho người nhận. Một người, một gia đình có tấm lòng thiện nguyện, cao cả đáng quý như vậy gửi gắm cho mình là người chuyển tải đến gia đình người sống, vậy nên áp lực rất lớn, phải tận dụng tối đa tài lực, trí lực, các tiến bộ khoa học để cho sự sống  - nguồn tạng - của người hiến tiếp tục tồn tại có ý nghĩa trên cõi đời…

leftcenterrightdel
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đang thực hiện ca ghép tim tại bệnh viện. 

PV: Áp lực lớn như vậy, có khi nào các bác sĩ “sợ thất bại” mà chùn bước?

PGS, TS Nguyễn Hữu Ước: Không có một phương pháp điều trị nào mạnh như “thánh dược” ghép tạng. Bệnh nhân ghép tạng đều là những người cận kề với cái chết, sự sống và cái chết được tính trong từng phút, từng giờ và vô phương cứu chữa. Vậy nhưng chỉ sau ca ghép, người bệnh từ người “gần chết” trở thành khỏe mạnh, có nhiều người sống mấy chục năm vẫn khỏe. Do đó, đối với “thánh dược quý hiếm” này, dù với bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào chúng tôi cũng cố gắng mang lại cho bệnh nhân. Trước mỗi ca ghép tạng, chúng tôi là những chiến sĩ bước vào trận đánh lớn với quyết tâm chiến thắng bằng mọi giá không được chùn bước.

Trong trận chiến ghép tạng nó đòi hỏi mỗi một thành viên tham gia không chỉ có sự quyết tâm, nhiệt huyết mà còn là đòn cân não, sự phát huy trí tuệ, sáng tạo và vượt giới hạn của không gian, thời gian để chiến thắng tử thần. Chẳng hạn, trong ca ghép tạng lần 2 từ người cho chết não tại TP Hồ Chí Minh, kíp phẫu thuật đã phải thức trắng hơn 24 giờ chạy đua với thời gian đưa tạng ra Hà Nội để ghép. Đó là chưa kể, sau ghép tạng lại phải theo dõi chăm sóc 24/24 giờ, có những bệnh nhân hậu phẫu kéo dài hơn 3 tháng mới đạt được thành công.

PV: Ông muốn chia sẻ điều gì với ngành ghép tạng Việt Nam?

PGS, TS Nguyễn Hữu Ước: Tại Việt Nam, nhu cầu ghép tạng rất lớn nhưng đáng tiếc nhất “đặc sản thánh dược” này chưa được hiểu và cống hiến nhiều. Với số dân hơn 90 triệu người, trong khi đó có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận, hơn 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và hơn 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi... Nếu chỉ 1% số người đăng ký hiến tạng thì mỗi năm có hàng trăm, hàng nghìn người được cứu sống nhờ ghép tạng.

Thực tế ở nước ta, số người chết não do tai nạn, nhất là tai nạn giao thông quá lớn, là nỗi đau xót cho cả dân tộc. Đặc biệt, hơn 70% số ca chết não này là nam giới, thanh nhiên chủ chốt trong gia đình, tạo ra một tâm lý rất buồn cho người dân và đặc biệt là các y, bác sĩ. Đáng tiếc hơn nữa là số người chờ ghép tạng nhiều, số người chết não nhiều nhưng công tác hiến tạng chưa phát triển, rất ít người chấp nhận hiến tạng. Nhưng nếu không may, không còn cơ hội sống thì hãy làm nghĩa cử cao đẹp, đem nguồn tạng quý hiếm của mình hiến cho những người bệnh nặng vô phương cứu chữa, để cuộc sống được hồi sinh.

PV: Xin cảm ơn PGS, TS!

THÁI SƠN (thực hiện)