PV: Đề nghị giáo sư cho biết, phương pháp lọc máu hiện đại trong điều trị một số bệnh nguy hiểm ở Việt Nam được áp dụng từ khi nào?
GS, TS Nguyễn Gia Bình: Đây là kỹ thuật rất hay, từ những năm 80-90 của thế kỷ XX, các kỹ thuật lọc máu ở những nước phát triển đã có sự tiến bộ vượt bậc. Nhờ những tiến bộ của khoa học và công nghệ, các nhà khoa học đã xây dựng thành công các kỹ thuật lọc máu mới dựa trên các nguyên lý vật lý, hóa học. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã được tiếp cận phương pháp mới này và bắt đầu đưa về Việt Nam từ năm 2002. Chúng tôi rất quyết tâm, nhưng có một khó khăn là không có máy móc, thiết bị. Trong khi mỗi máy có trị giáhàng tỷ đồng nhưng bệnh viện không đủ kinh phí chi trả. Sau đó, chúng tôi đã liên hệ và mượn được máy của các bạn đồng nghiệp Thái Lan; viết quy trình bệnh nào được sử dụng máy, bệnh nào không và xác định phải làm cẩn thận, sẵn sàng đối phó với các biến chứng cũng như vấn đề pháp lý và được Ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đồng ý. Từ năm 2002-2004, chúng tôi mới chỉ làm được khoảng mấy chục ca lọc máu, điều trị một số bệnh nguy hiểm và từ 2005 thì áp dụng rất thành công. Ban giám đốc bệnh viện đứng ra chịu trách nhiệm về mặt pháp lý cũng như chuyên môn kỹ thuật, đạo đức nghề nghiệp; phê duyệt tài chính, xác định khung giá điều trị rất thấp so với nước ngoài, hầu như chỉ đủ trả cho vật tư mua về.
PV: Kỹ thuật lọc máu hiện đại đã được ứng dụng như thế nào trong công tác chữa bệnh ở nước ta?
GS, TS Nguyễn Gia Bình: Trước kia, phải chứng kiến các bệnh nhân nặng tử vong do chưa có phương pháp điều trị hữu hiệu là điều vô cùng đau xót với những người trong ngành y. Với kỹ thuật lọc máu hiện đại này thì các bệnh nhân nặng nếu được can thiệp sớm đã được cứu chữa. Chúng tôi đã xây dựng quy trình kỹ thuật, được bệnh viện và được Bộ Y tế thông qua, được công nhận về mặt pháp lý và có thể áp dụng trên toàn quốc.
Chúng tôi tiến hành triển khai đề tài cấp Nhà nước và được Bộ Khoa học và Công nghệ rất ủng hộ, trong đó có các nhánh đề tài gồm: Các đề tài về lọc máu liên tục, áp dụng cho các bệnh nặng hay gặp nhất và có tính khả thi nhất như: Nhiễm trùng nặng, viêm tụy, hội chứng bệnh suy sụp đa phủ tạng... Nhánh nghiên cứu đề tài thứ hai là về xử lý các bệnh tự miễn như: Viêm đa cơ, hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh khiến bệnh nhân bị liệt. Nhánh đề tài thứ ba là: Kỹ thuật gan nhân tạo hấp thụ phân tử tái tuần hoàn. Nhánh đề tài thứ 4 là lọc máuhấp phụ bỏ bớt chất độc. Trong đó, lựa chọn hàng đầu là ngộ độc thuốc diệt cỏ. Tỷ lệ tử vong trước đây khoảng 85% thì nay đã giảm xuống còn 50%. Chúng tôi đã triển khai phương pháp này tại Bệnh viện 115 TP Hồ Chí Minh rất có hiệu quả và đang triển khai đưa về các bệnh viện tuyến tỉnh.
Thăm khám bệnh nhân điều trị bằng kỹ thuật lọc máu nhân tạo tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai.
PV: Giáo sư có thể cho biết một số hiệu quả mang lại từ kỹ thuật lọc máu hiện đại trong công tác chữa bệnh?
GS, TS Nguyễn Gia Bình: Trước đây, nếu như các bệnh nhân bị tử vong do nhiễm trùng nặng, tỷ lệ là 95% thì nay đã giảm được khoảng 1/3. Hay các bệnh nhân viêm tụy, trước đây phương pháp chính là mổ, nhưng với kỹ thuật lọc máu hiện đại đã loại bỏ bớt các chất độc hại do tụy sinh ra, làm giảm bớt các phản ứng viêm. Ví dụ cùng bệnh nhân bị viêm tụy như vậy, nếu vẫn dùng phương pháp mổ như cũ thì cứ hai người sẽ có một người tử vong. Hiện nay, nếu thực hiện lọc máu sớm, kết hợp với hồi sức tích cực thì tỷ lệ này là 1/10. Với hội chứng các bệnh suy sụp đa phủ tạng như suy phổi, suy tim trước khi có phương pháp lọc máu thì tỷ lệ tử vong do suy 3 tạng là 70% và suy 4 tạng là 90%. Từ khi có kỹ thuật lọc máu, mặc dù bệnh nhân nhập viện khá muộn nhưng vẫn giảm bớt tỷ lệ tử vong xuống khoảng 20%.
Trên cơ sở áp dụng thành công trong điều trị các bệnh trên, chúng tôi đã phát triển thêm ý tưởng áp dụng cho những bệnh khác như các bệnh cúm và đã thành công, mở ra được hướng tiếp cận phương pháp điều trị mới là không những vi khuẩn mà vi-rút nặng cũng có thể điều trị thành công. Ngoài ra, phương pháp này còn được áp dụng cho điều trị hội chứng chân-tay-miệng ở trẻ em; các trường hợp bỏng nặng. Với kỹ thuật này không chỉ cứu sống được người bệnh mà chi phí chỉ bằng 1/5 so với các nước phát triển. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng kịch bản để sẵn sàng ứng phó với các thảm họa dịch bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến vi-rút và đã được Bộ Y tế đồng ý.
PV: Việc chuyển giao công nghệ với kỹ thuật lọc máu hiện đại đã đạt được những kết quả gì, thưa Giáo sư?
GS, TS Nguyễn Gia Bình: Hiện tại, Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai có 12 bác sĩ đã thành thạo các kỹ thuật và đủ năng lực đào tạo, hướng dẫn đồng nghiệp từ các bệnh viện khác trong cả nước về học tập kinh nghiệm. Sau khi hoàn thành đề tài từ năm 2012, chúng tôi bắt tay ngay vào biên soạn tài liệu, mở lớp đào tạo, chuyển giao công nghệ và đã có nhiều bệnh viện thực hiện thành công. Đến nay, đã có khoảng 30 bệnh viện trong cả nước áp dụng kỹ thuật lọc máu hiện đại, ước tính khoảng hơn 9.000 bệnh nhân đã được điều trị thành công, giúp giảm tỷ lệ tử vong ở mức cao nhất.
PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư!
MINH MẠNH (thực hiện)