* Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra chỉ thị trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV
* Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quyết định viện trợ bằng hàng hóa vật dụng y tế trị giá khoảng 0,5 triệu USD để chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đang phải đối mặt với dịch cúm do virus corona lan rộng.
Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết cũng đã vận động viện trợ hàng hóa giá trị 100.000USD và 7 tỉnh biên giới phía Bắc cũng có các hình thức phù hợp hỗ trợ giúp đỡ cho nhân dân Trung Quốc, nhất là các tỉnh ven biên giới hai nước. (Chinhphu.vn)
* Chiều 31-1, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức cung cấp thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch nCoV. Phát biểu tại buổi cung cấp thông tin, bác sĩ Satoko Otu, Trưởng nhóm Đáp ứng sự kiện Y tế công cộng khẩn cấp, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết, WHO tuyên bố sự bùng phát chủng vi-rút corona mới (2019-nCoV) từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu". Với việc thông qua tuyên bố PHEIC, WHO sẽ đưa ra các lời khuyên, gợi ý cho các quốc gia trong việc chống dịch bệnh, bao gồm ngăn chặn hoặc giảm các ca lây nhiễm xuyên biên giới, tránh các hoạt động thương mại và du lịch không cần thiết. Bác sĩ Satoko Otsu thông tin thêm: “Chúng tôi rất hiểu sự băn khoăn, thậm chí sợ hãi của công chúng về việc công bố. Tuy nhiên, sự kiện này không có nghĩa là nâng mức độ nguy cơ đe dọa dịch bệnh trên toàn cầu. Thực tế, hiện tại tất cả ca bệnh tử vong đều được báo cáo từ Trung Quốc. Chúng tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của y tế Việt Nam trong giám sát, phát hiện, điều trị, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Do đó, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào năng lực kiểm soát tình hình dịch của Việt Nam”. (AN AN)
Dự kiến 2 người Việt Nam có thể xuất viện trong tuần sau
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cho biết, 2 công nhân có xét nghiệm dương tính với vi-rút corona đang điều trị tại bệnh viện hiện đã ổn định và có thể xuất viện trong tuần tới.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 17 giờ ngày 31-1, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi-rút corona đã ghi nhận trường hợp nhiễm tại 23 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) trên thế giới. Cụ thể như sau: Tổng số trường hợp mắc: 9.920 (trong đó tại lục địa Trung Quốc: 9.779); tổng số trường hợp tử vong: 213 (trong đó tại lục địa Trung Quốc: 213); tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc: 141. (HẢI ANH)
Bảo đảm nguồn cung cấp khẩu trang y tế
Trước tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế do nhu cầu mua của người dân tăng mạnh, ông Nguyễn Đình Hiếu, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, cho biết, hiện nước ta có hơn 30 đơn vị sản xuất trang thiết bị khẩu trang, tuy nhiên do đầu năm mới, các công ty gặp vấn đề về nhân công. Hằng năm, ngày mùng 10 các công ty mới sản xuất nhưng năm nay mùng 7 đã có công nhân đi làm. "Chúng tôi đang yêu cầu các đơn vị sản xuất báo cáo lại tình trạng tồn kho, khả năng sản xuất. Nâng cao kiểm tra, giám sát, xử phạt những đơn vị nâng giá khẩu trang", ông Hiếu thông tin. Người dân cũng có thể sử dụng khẩu trang bằng vải và giặt sạch hằng ngày. (DIỆP CHÂU)
Miễn phí cuộc gọi đường dây nóng phòng chống dịch
Trước thông tin cước phí cuộc gọi tới đường dây tư vấn về dịch bệnh do virus corona (19003228) quá cao, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin cho báo chí liên quan tình hình dịch bệnh do virus corona chiều 31-1, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Bộ Y tế, cho hay bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-2, người dân gọi tới đường dây nóng cung cấp thông tin và phòng dịch do vi-rút corona gây ra với số máy: 19003228 sẽ được miễn phí. Đây là đường dây nóng hoạt động 24/7 để tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch. PGS, TS Nguyễn Vũ Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thêm, số điện thoại 19003228 ban đầu là số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện. Khi dịch bệnh xảy ra, số này được Bộ Y tế sử dụng để phục vụ người dân. Để sẵn sàng và liên tục tiếp nhận các thông tin, ý kiến về tình hình dịch bệnh trên toàn quốc và nhận tư vấn cách phòng, chống dịch bệnh, hiện đã có 22 đường dây nóng bệnh viện sẵn sàng đi vào hoạt động phục vụ người dân. (HÀ VŨ)
Thành lập 45 đội cơ động phản ứng nhanh
Bộ Y tế đã thành lập 45 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Trong đó, Cục quản lý Khám, chữa bệnh thành lập đội thường trực chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gồm 3 tổ: Tổ chuyên môn, tổ thông tin và tổng hợp báo cáo và tổ hậu cần do PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng làm đội trưởng. Các đội cơ động có nhiệm vụ thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có yêu cầu và mức độ dịch; thực hiện theo lệnh điều động của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch nCoV.
Thành phần của mỗi đội cơ động bao gồm: lãnh đạo bệnh viện; bác sĩ hồi sức cấp cứu; bác sĩ truyền nhiễm; cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn; điều dưỡng hồi sức cấp cứu hoặc truyền nhiễm; lái xe. Mỗi đội cơ động được trang bị: 1 xe ô tô cứu thương với đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu trên xe (máy thở cơ động, oxy, thuốc, dịch truyền), phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn, tiệt khuẩn… theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch. Các bệnh viện được chỉ đạo thành lập từ 1 đến 2 đội cơ động. Đối với các địa phương, sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo mỗi bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập tối thiểu 2 đội cơ động. Kinh phí cho hoạt động của đội cơ động lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. (CÙ HƯƠNG)
Chỉ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn bệnh
PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: “Chúng ta chỉ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Theo những hiểu biết ban đầu, hiện nay, nguồn bệnh có thể là động vật mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc với người mang mầm bệnh nCoV. Bệnh lây theo đường hô hấp nên có thể lây truyền qua giọt nước bọt qua ho, hắt hơi hoặc lây truyền qua tay chân, vật dụng mà vi-rút bám vào. Người có nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm trước tiên là những người đi từ vùng dịch trở về, những người tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với những người đi từ vùng dịch về. Do đó, để phòng bệnh mỗi người đều phải tuân thủ khuyến cáo cập nhật thường xuyên của Bộ Y tế, trong đó, cần lưu ý yếu tố vệ sinh cá nhân thường xuyên, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho; tránh tiếp xúc gần với động vật nuôi và động vật hoang dã; chỉ sử dụng thực phẩm chín...”.
Đối tượng có nguy cơ tử vong cao nếu mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV thường có bệnh nền là những bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh người cao tuổi. (HỒ THẠCH)
Hàng không Việt Nam tạm ngừng khai thác nhiều đường bay đến Trung Quốc
Ngày 31-1, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, hãng sẽ tạm ngừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến (Trung Quốc) từ ngày 4-2; giữa Việt Nam và Thành Đô (Trung Quốc) từ ngày 5-2; giữa Việt Nam và Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 6-2. Hãng cũng tạm ngừng khai thác đường bay Hà Nội-Hồng Công (Trung Quốc) từ ngày 6-2 và giảm tần suất đường bay TP Hồ Chí Minh-Hồng Công từ 10 chuyến/tuần xuống 7 chuyến/tuần. Các máy bay sau khi bay từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ được hãng tiến hành khử trùng để phòng ngừa nguy cơ lây lan virus nCoV. Ngoài ra, Hãng hàng không Jetstar Pacific cũng tạm ngừng khai thác đường bay Hà Nội-Hồng Công từ ngày 6-2, Hà Nội-Quảng Châu từ ngày 9-2 và TP Hồ Chí Minh-Quảng Châu từ ngày 11-2. Hãng hàng không Vietjet cũng cho biết, sẽ ngừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ hôm nay (1-2). (MẠNH HƯNG)