Ngày 6-5, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở ATTP TP Hồ Chí Minh; Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện việc quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan.
Thực hiện công khai, cảnh báo các đường link, địa chỉ vi phạm để người tiêu dùng tránh mua và sử dụng sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các đường link, địa chỉ đó, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
 |
Bộ Y tế yêu cầu tháo gỡ quảng cáo trên sàn giao dịch điện tử 2 thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm sibutramine. Ảnh: Cục An toàn thực phẩm
|
Trường hợp không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quảng cáo, đề nghị đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng địa phương hoặc Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phụ trách mạng xã hội, website, facebook, youtube…, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) quản lý trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử để xác định chủ thể và xử lý theo quy định hiện hành.
* Trước đó, trước thực trạng thực phẩm giả, kém chất lượng và ngộ độc có chiều hướng gia tăng, Bộ Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đã có văn bản số 2633/BYT-ATTP gửi Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các tỉnh, thành phố, yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và bảo đảm ATTP trên toàn quốc. Văn bản do Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành nhấn mạnh, các địa phương cần khẩn trương ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp cụ thể để bảo đảm ATTP, giám sát nguy cơ và phòng ngừa ngộ độc, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, trong đó người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm.
Các địa phương được yêu cầu chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra tại các khu vực trọng điểm như khu công nghiệp, khu du lịch, trường học, nơi có bếp ăn tập thể, các cơ sở dịch vụ ăn uống và điểm bán hàng rong. Đặc biệt cần hướng dẫn kỹ về cách lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm để bảo đảm an toàn, tránh sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, giả mạo hoặc kém chất lượng.
AN AN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.