Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, lũy tích từ năm 2024 đến ngày 14-3, toàn Thành phố ghi nhận 1.446 trường hợp mắc sởi, trong đó hơn 2 tháng đầu năm 2025 là có 876 ca. Đáng chú ý, số ca mắc trung bình 4 tuần gần đây là 108 ca/tuần. Bệnh nhân ghi nhận tại 377 xã, phường, thị trấn tại tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Các quận, huyện có số ca mắc sởi cao như Hoàng Mai (221 ca), Hà Đông (100 ca), Thanh Trì (93 ca), Nam Từ Liêm (90 ca), Đống Đa (85 ca), Tây Hồ (71 ca), Hoàn Kiếm (66 ca)…
Đa số bệnh nhân mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 66%) và chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ hai mũi vaccine phòng bệnh sởi (chiếm 91%). Đáng lo ngại, trong năm 2025, số ca mắc bệnh gia tăng trong nhóm tuổi từ 6 đến 8 tháng tuổi; trong khi độ tuổi được tiêm vaccine phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng là 9 tháng tuổi.
 |
Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi. Ảnh: PHONG LAN |
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi cho nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi còn chậm. Các trường hợp mắc bệnh hầu hết đều chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi.
Dự báo thời gian tới, số ca mắc sởi tiếp tục gia tăng, thậm chí có thể ghi nhận các trường hợp tử vong, đặc biệt là ở nhóm trẻ em mắc các bệnh lý nền, thường xuyên phải nhập viện điều trị.
Do đó, thời gian tới, các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan y tế, giáo dục phối hợp rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng chiến dịch.
Đặc biệt, ngành Y tế lưu ý, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi phải kết thúc muộn nhất vào ngày 31-3, đạt mục tiêu kế hoạch 95%. Các đơn vị có tỷ lệ tiêm chủng chiến dịch còn thấp như: Đống Đa 34%, Hai Bà Trưng 44%, Nam Từ Liêm 49%, Gia Lâm 52%, Long Biên 52%...
Cùng với đó, các ngành Y tế - Giáo dục tăng cường phối hợp phòng, chống các dịch bệnh trong trường học; rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ khi nhập học mầm non, mẫu giáo (2 tuổi) và khi nhập học lớp 1 (6 tuổi), để tiêm chủng bổ sung cho trẻ còn thiếu trước khi nhập học; tăng cường các hoạt động truyền thông để người dân không chủ quan, chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ.
Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tích cực, chủ động vào cuộc triển khai thực hiện các biện pháp giám sát, đáp ứng chống dịch; tổ chức giám sát chủ động phát hiện bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại 68 bệnh viện đóng trên địa bàn Thành phố để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm vào điều trị tại các bệnh viện, từ đó nắm được diễn biến tình hình dịch và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch cần triển khai.
Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội cũng phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để thực hiện hoạt động giám sát tác nhân gây bệnh đối với các tác nhân gây bệnh như sởi/rubella, bại liệt, tay chân miệng; giám sát vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các khu vực nguy cơ cao, các địa điểm tổ chức lễ hội…
Đặc biệt đối với công tác phòng, chống bệnh sởi, Ủy ban nhân dân Thành phố và Sở Y tế Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch căn cứ theo diễn biến tình hình dịch thực tế, đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh. Thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi trên địa bàn. Tính đến ngày 13-3, tỷ lệ tiêm chủng chiến dịch năm 2025 toàn Thành phố đạt 66%.
THÁI SƠN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.