Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, năm nay đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ không chỉ rơi vào tháng 10 mà còn kéo dài sang tháng 11. Nguyên nhân là do chu kỳ từ 3 đến 5 năm lặp lại, dịch sẽ bùng phát.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 3.900 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn, trong đó một số quận, huyện ghi nhận số mắc bệnh cao là Thanh Oai, Thanh Trì, Đống Đa, Đan Phượng…

Phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết tại huyện Thường Tín. Ảnh: laodongthudo.vn

Tình hình dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội có nguy cơ bùng phát do bắt đầu bước vào mùa dịch theo chu kỳ hàng năm sau 3 - 5 năm (năm 2017 dịch bùng phát, sau 5 năm là năm 2022). Bên cạnh đó, tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão sẽ kéo dài trong tháng 10, 11, 12, vì thế bệnh cũng cao điểm vào giai đoạn này. Đỉnh dịch không chỉ vào tháng 10, mà có thể vào cả tháng 11.

Tuy công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết được Hà Nội triển khai từ đầu năm nhưng cần tập trung quyết liệt vào tháng 10, 11,12 để hạn chế số ca mắc, chuyển biến nặng và tử vong. Bên cạnh đó, địa bàn thành phố rộng, quá trình đô thị hóa, kết cấu khu dân cư tập trung, nhiều ngõ, ngách nhỏ, dân số đông, di biến động dân cư lớn, có nhiều công trường xây dựng lớn, nhỏ, nhiều khu nhà trọ, chợ truyền thống… Vì vậy, nếu người dân chủ quan, lơ là, không có ý thức thì khi dịch xuất hiện sẽ có khả năng lây lan, bùng phát nhanh.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp, UBND TP Hà Nội đề nghị UBND quận, huyện, thị xã nghiêm túc đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn; rà soát, kiện toàn, thành lập các tổ cộng tác viên, đội xung kích diệt bọ gậy; đồng thời tập trung bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn thực hiện các phương án phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế; xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để bùng phát dịch trên địa bàn.

Xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy; chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã... giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch. Bên cạnh đó, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Kiên quyết xử lý cá nhân chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch; xử lý các cá nhân, tổ chức không chấp hành quy định về phòng, chống dịch. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án phòng, chống sốt xuất huyết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu chưa được phê duyệt); chủ động bố trí nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ.

THÁI AN