Dự lễ phát động có các đồng chí: Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Trần Thị Trung Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam…

Các đại biểu tham dự lễ phát động “Đăng ký hiến mô, tạng - Cho đi là còn mãi”.

Lễ phát động nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng về việc hiến mô, tạng, một nghĩa cử cao đẹp góp phần mang lại hy vọng sống cho hàng nghìn bệnh nhân. Sự kiện cũng nhằm kêu gọi sự tham gia đăng ký hiến mô, tạng tự nguyện của người dân trên cả nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và lan tỏa giá trị nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát động chương trình “Đăng ký hiến mô, tạng - Cho đi là còn mãi”.

Tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, những năm qua, ngành y tế phối hợp với các bộ ngành, địa phương đã có những cố gắng, nỗ lực rất đáng được ghi nhận để từng bước nâng cao năng lực công tác hiến, ghép tạng tại Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến tri ân nghĩa cử cao đẹp tới người được ghép tạng và đại diện gia đình người hiến tạng chết não. 

Theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 10 đến 12 ca hiến tạng sau khi chết não. Năm 2024, Việt Nam có 39 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. Con số này chiếm gần 13% trong tổng số ca ghép tạng. Đây được coi là kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam. Để đạt được số ca hiến kỷ lục ở giai đoạn này, bên cạnh công tác truyền thông, các bệnh viện đã đẩy mạnh công tác tư vấn, vận động tại bệnh viện, thành lập tổ tư vấn để vận động tới gia đình khi phát hiện có bệnh nhân chết não tiềm năng. Điều đặc biệt là cần sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội, chung tay ủng hộ việc hiến tặng mô, tạng sau chết não, hoàn thiện về pháp luật để nguồn hiến mô, tạng phát triển trong thời gian tới.

Tại lễ phát động, các đại biểu và khách mời được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và những thông điệp tích cực nối tiếp sự sống của người được ghép tạng và đại diện gia đình có người hiến tạng vì chết não đến từ tỉnh Thái Nguyên.

Đồng chí Phan Văn Mãi cam kết TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung cao cho công tác hiến mô, tạng. 

Tại lễ phát động, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động và có những giải pháp cụ thể cho hoạt động này. Tiếp tục chỉ đạo ngành y tế, các cơ quan có liên quan trực tiếp của thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương và cơ quan điều phối hiến tạng, các cơ quan chuyên môn để triển khai đồng bộ, hiệu quả, kịp thời. Đồng thời cam kết đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, các điều kiện để phục vụ cho công tác hiến mô, tạng; từ đó góp phần thúc đẩy công tác này ngày càng lan tỏa mạnh mẽ”.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến ký kết hợp tác với các đối tác trong công tác vận động, tuyên truyền hiến mô, tạng. 
Trao thẻ đăng ký hiến mô, tạng cho các đại biểu tại buổi lễ.

Trong khuôn khổ chương trình, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam ký kết hợp tác với một số đối tác để tiếp tục hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng. Đồng thời, Ban tổ chức cũng tri ân tới những hành động cao đẹp của gia đình đã quyết định ký tặng hiến tạng, cũng như các đơn vị phối hợp hỗ trợ vận chuyển mô, tạng kịp thời.

Tin, ảnh: KIỀU OANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.