Tại hội thảo, PGS, TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, số lượng ca chết não hiến mô tạng trong 9 tháng đầu năm 2024 lập con số ấn tượng với 25 ca (năm 2023 chỉ có 14 ca chết não hiến mô tạng), góp phần làm tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/829 bệnh nhân ghép, đạt 10,49%.
“Đây cũng được coi là số kỷ lục của Việt Nam, vì trước đây, tỷ lệ tạng hiến từ người chết não khoảng 5-6%”, PGS, TS Đồng Văn Hệ nói.
 |
Hội vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam trao giấy khen tặng gia đình hiến tặng mô, tạng sau khi mất.
|
Thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, tính đến tháng 9-2024, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng. Năm 2023, 1.000 người tại Việt Nam được ghép tạng, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, số người được ghép này chủ yếu lấy từ nguồn tạng của người hiến còn sống, còn nguồn tạng lấy từ người chết não chỉ có 12 người.
Vận động hiến mô, tạng là nền tảng của phát triển nguồn hiến mô, tạng từ người cho chết não. Do đó, nếu người dân, gia đình không hiểu, không ủng hộ thì việc người chết não hiến mô, tạng rất khó. Do vậy, việc thuyết phục để người dân không chỉ ủng hộ bằng lời nói mà thể hiện bằng hành động qua việc thực hiện đăng ký hiến mô, tạng.
Theo PGS, TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thực tế người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới, đứng thứ 3 từ dưới lên. Theo bà, hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong các quy định của pháp luật hiện hành trong điều kiện hiến tạng sau chết; tuổi hiến tạng, chế độ cho người hiến tạng và gia đình; cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép.
 |
PGS,TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thăm hỏi Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Lê Trung - Phó chủ nhiệm Bộ môn Khoa mắt, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y), người có mẹ hiến giác mạc sau khi mất. |
PGS,TS Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích: “Rào cản đầu tiên chính là nhận thức, khi phần lớn người dân vẫn có quan niệm "chết phải toàn thây", e ngại đụng vào thân thể người thân sau khi chết; cùng đó là tâm lý sợ ảnh hưởng đến gia đình, phần lớn người dân chưa nhận thấy hiến tạng là văn hóa, trách nhiệm và từ bi với cộng đồng. Ngoài ra, người dân còn chưa hiểu rõ về cách thức đăng ký hiến tạng… Chính vì vậy, thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường vận động người dân theo từng nhóm đối tượng, cần thiết phải thay đổi các quy định về việc hiến mô, tạng để giúp tăng nguồn tạng, từ đó sẽ có nhiều cuộc đời được hồi sinh và nhiều cái chết không chỉ "về với cát bụi" mà sẽ nhân thêm sự sống, mang lại nhiều hạnh phúc cho cuộc đời”.
Hội thảo đã thu hút hơn 300 đại biểu đến từ các bệnh viện trong cả nước và 8 chuyên gia tới từ các nước có số lượng tạng hiến từ người chết cao nhất thế giới (Tây Ban Nha), cao nhất châu Á (Hàn Quốc), cao nhất Đông Nam Á (Thái Lan)…
Tin, ảnh: QUỲNH NGỌC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.