Theo đó, Bộ Y tế phân công các bệnh viện là cơ sở chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19, đồng thời giao nhiệm vụ cho tất cả các cơ sở còn lại phải chuẩn bị sẵn sàng dành tối thiểu 40% giường bệnh để thu dung, quản lý, điều trị người bệnh Covid-19 khi dịch lan rộng và trong tình huống địa phương (tỉnh, thành phố) trở thành khu vực "nguy cơ rất cao".
Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường và tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã đề nghị giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo duy trì hoạt động khám, chữa bệnh thường quy của tối thiểu 50% số bệnh viện tuyến tỉnh và 50% số bệnh viện tuyến quận, huyện để thu dung điều trị ca bệnh cấp tính và quản lý điều trị ca bệnh mạn tính của các bệnh viện bị phong tỏa hoặc bệnh viện được huy động thành nơi điều trị Covid-19. Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khám bệnh nhà nước và tư nhân tuyệt đối không từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng, nguy kịch tới khám và điều trị; kể cả những người bệnh nghi nhiễm hay nhiễm Covid-19. Cần nghiêm khắc xử lý nếu vi phạm.
Thêm 200 máy thở phục vụ điều trị tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam
Sáng 20-8, Bộ Y tế tiếp nhận 200 máy thở chức năng cao, 3.000 bộ dây thở điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng. Số trang thiết bị này được Bộ Y tế chuyển vào các Trung tâm Hồi sức tích cực tại Thành phố Hồ Chí Minh.
 |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thay mặt ngành y tế tiếp nhận 200 máy thở phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Nguyễn Nhiên. |
Tại buổi tiếp nhận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảm ơn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp, hỗ trợ kịp thời, đồng hành với ngành Y tế trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 thứ tư. "200 máy thở chức năng cao và 3.000 bộ dây thở do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ rất kịp thời, quý giá. Tất cả các trang thiết bị này sẽ được sử dụng đúng mục đích trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong đợt dịch Covid-19 thứ tư, với số lượng người nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn tại TP Hồ Chí Minh, ngành Y tế đã nỗ lực trong điều trị bệnh nhân nặng, kiểm soát và giảm tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong.
Trong điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế đã hướng dẫn phân 3 tầng điều trị. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đang tập trung mở rộng nhanh các trạm y tế lưu động để quản lý, điều trị người bệnh, người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Bộ Y tế cũng tập trung mở rộng số giường bệnh ở tầng 2 để người bệnh Covid-19 nào cũng được tiếp cận giường bệnh. Hiện, các cơ sở y tế thuộc tầng 2 được các bệnh viện của TP Hồ Chí Minh đảm nhiệm, nỗ lực.
Ở tầng điều trị cao nhất (tầng 3) tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế thành lập 5 trung tâm hồi sức tích cực do các bệnh viện hạng Đặc biệt của Bộ Y tế đảm nhiệm với số lượng giường bệnh lớn.
Trưa 20-8, Hà Nội ghi nhận 51 ca mắc mới, trong đó 23 ca tại cộng đồng
Trưa 20-8, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 51 ca mắc mới, trong đó có 23 ca tại cộng đồng và 28 ca trong khu cách ly. Các ca bệnh phân bố bệnh nhân theo quận, huyện: Hoàng Mai (13), Hoàn Kiếm (6), Thanh Trì (5), Hà Đông (5), Thường Tín (4), Ba Đình (4), Thanh Xuân (3), Long Biên (2), Đông Anh (2), Hai Bà Trưng (2), Gia Lâm (1). Phân bố theo chùm ca bệnh: sàng lọc khu vực nguy cơ cao (18), ho sốt thứ phát (33).
 |
Medlatec lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: MEDLATEC |
Như vậy tính từ ngày 27-4 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 2.474 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận tại cộng đồng là 1.267 và số mắc là đối tượng đã được cách ly là 1.207.
Bệnh viện đầu tiên của ngành Y tế Hà Nội tiêm vaccine Covid-19 cho bệnh nhân chạy thận
Ngày 20-8, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, bệnh viện vừa tiêm vaccine phòng Covid-19 cho gần 200 bệnh nhân đang điều trị thận nhân tạo tại Khoa Nội thận tiết niệu. Sức khỏe của gần 200 người này sau tiêm hoàn toàn bình thường. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên trực thuộc Sở Y tế Hà Nội tiêm vaccine Covid-19 cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, bệnh nhân chạy thận nhân tạo là nhóm bệnh nhân thường xuyên phải đến bệnh viện điều trị, đối diện với nhiều nguy cơ mắc Covid-19. Thậm chí, nếu nhiễm Covid-19, nhóm bệnh nhân chạy thận nhân tạo là đối tượng dễ mắc nặng và đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Do đó, sau khi có kết quả khám sàng lọc, bệnh viện đã tiến hành tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 cho gần 200 bệnh nhân đang điều trị thận nhân tạo tại đây.
Các bệnh nhân điều trị thận nhân tạo này đều phải lọc máu định kỳ 3 lần/1 tuần, sử dụng nhiều loại thuốc bổ trợ, lại thêm nhiều bệnh lý nền nên việc khám sàng lọc được Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thực hiện nghiêm ngặt theo quy định nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối, tránh các biến chứng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, các bệnh nhân còn được hướng dẫn, tư vấn kỹ lưỡng về cách thức ăn uống, nghỉ ngơi và những phản ứng phụ sau tiêm.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 19-8, các đơn vị trực thuộc ngành Y tế Thủ đô đã triển khai tiêm 20.954 mũi vaccine Covid-19. Kết quả tiêm được tổng cộng 1.809.509 mũi (gồm: 1.710.521 mũi 1; 98.988 mũi 2) cho 1.710.521 người, tương đương với 28% số người dân trong độ tuổi tiêm chủng (từ 18 tuổi trở lên).
* Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Hoàng Mai đề nghị những ai ở khu vực chung cư HH phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai hoặc đã từng đi qua khu vực đó từ ngày 10-8 đến nay có biểu hiện ho, sốt cần liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất hoặc Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai (024.36332628) hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (0969.082.115/0949.396.115).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng đề nghị: Tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19. Liên hệ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để được tư vấn.
Từ 12 giờ ngày 20-8, người vào Quảng Ninh phải có xét nghiệm âm tính RT- PCR trong 48 giờ
UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ 12 giờ ngày 20-8, người vào Quảng Ninh phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 bằng phương pháp RT- PCR trong thời gian 48 giờ và phải có giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Riêng đối với lái và phụ xe tải, xe container chở hàng hóa liên tỉnh phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính tối đa 48 giờ kể từ giờ lấy mẫu, khuyến khích đã tiêm 2 mũi vaccine.
Đối với người về từ các địa phương đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng phải tiếp tục thực hiện cách ly y tế tập trung có trả phí 14 ngày tại khu cách ly tập trung, sau đó cách ly tại nhà 7 ngày, trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định.
Đối với công nhân, người lao động trong tỉnh, ngoại tỉnh đi làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương có xe đưa đón hằng ngày của doanh nghiệp đã đăng ký thì không yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
VƯƠNG THÚY