Nhu cầu thuốc ARV rất lớn

Thuốc ARV có ý nghĩa hết sức quan trọng trong điều trị người nhiễm HIV. Thuốc không chỉ giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội mà còn giảm lây truyền HIV sang người khác. Đây cũng được coi là hướng đi đúng khi sử dụng nguồn thuốc từ quỹ bảo hiểm y tế. Vì vậy, điều trị ARV được xem là giải pháp dự phòng tích cực. Người nhiễm HIV phải sử dụng thuốc hằng ngày, lâu dài, nên nhu cầu cũng như kinh phí mua thuốc là rất lớn.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, năm 2015 trở về trước, nguồn thuốc ARV cấp cho bệnh nhân HIV/AIDS của Việt Nam hầu hết là nguồn thuốc viện trợ từ các tổ chức quốc tế, bao gồm các nguồn của Chương trình viện trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR), Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét và một phần từ Quỹ Bill Clinton. Để giảm giá thành của thuốc và bảo đảm chất lượng, các dự án này thường mua sắm tập trung cho toàn cầu sau đó chuyển thuốc đến từng quốc gia thụ hưởng dự án (tức là viện trợ bằng thuốc ARV cho các nước được nhận viện trợ).

Bệnh nhân HIV/AIDS tại Cần Thơ nhận thuốc ARV bằng bảo hiểm y tế. 


Bảo đảm nguồn cung ứng

Từ năm 2015 trở lại đây, để bảo đảm nguồn thuốc ARV tiếp tục cấp cho bệnh nhân AIDS khi nguồn thuốc viện trợ bị cắt giảm dần, Chính phủ giao Bộ Y tế mua sắm một phần thuốc ARV từ nguồn ngân sách trong nước để bù đắp khoản thuốc bị cắt giảm. Cục Phòng, chống HIV/AIDS tiến hành đấu thầu mua sắm thuốc trên nguyên tắc lựa chọn mua thuốc ARV đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có chất lượng tương đương thuốc viện trợ.

Kết quả, năm 2016, lần đầu đấu thầu thuốc ARV tại Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã mua 6.410.940 viên thuốc 3 trong 1 (3 loại thuốc trong 1 viên) là Lamivudine + Tenofovir + Efavirenz với giá trúng thầu là 7.299 đồng/viên (đã bao gồm VAT 5%) (tương đương 0,3095 USD/viên tính theo tỷ giá tại thời điểm đấu thầu là 22.457 đồng/USD). So sánh giá đấu thầu cùng loại thuốc trên với giá mua tập trung của Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét thì giá thuốc Việt Nam mua rẻ hơn 16,6% (giá của Quỹ Toàn cầu mua là 0,3681 USD/viên thuốc). Nếu so sánh với giá thuốc do PEPFAR mua cấp về thì giá thuốc Việt Nam mua rẻ hơn 17,8% (giá của PEPFAR mua là 0,3728 USD/viên thuốc). Đợt mua thứ hai năm 2017, Việt Nam tiếp tục đấu thầu mua 3.079.080 viên thuốc (3 trong 1) với giá trúng thầu tương đương 0,268 USD/viên (tính theo tỷ giá tại thời điểm đấu thầu là 22.760 đồng/USD). So sánh giá trên với giá thuốc cùng loại của PEPFAR, thuốc Việt Nam mua rẻ hơn 3,63% và rẻ hơn thuốc Quỹ Toàn cầu mua 1,33%. Việc mua thành công thuốc ARV với giá tốt là bước tiến quan trọng để Việt Nam chủ động cung ứng thuốc ARV thay thế nguồn viện trợ quốc tế, bảo đảm tính bền vững của chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Tiến sĩ Kato Masaya, Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, theo đánh giá của WHO, Việt Nam là điểm sáng trong khu vực về điều trị bằng thuốc ARV, đặc biệt là việc tiên phong trong thực hiện các khuyến cáo của WHO về phác đồ điều trị và tiếp cận phổ cập để người nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận thuốc ARV. 

Mới đây, tại buổi phát động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia và ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2017, bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Quốc gia Cơ quan phối hợp của Liên hợp quốc về phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam (UNAIDS) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Năm 2017 là năm thứ 9 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả ba tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS, giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS; áp dụng nhiều sáng kiến mới nhất trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã đạt được những dấu ấn quan trọng trên chặng đường đầy quyết tâm - chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Bài và ảnh: THU HƯƠNG