Hội thảo nhằm mục đích phổ biến liệu pháp điều trị ung thư tiên tiến giúp người mắc bệnh hiểm nghèo tại Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với nền y tế công nghệ cao của Nhật Bản.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia y tế đến từ Nhật Bản; các bác sĩ, chuyên gia đến từ Bệnh viện Ung bướu Trung ương, Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Việt Nam Nhật Bản phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Việt Nam Nhật Bản cho biết, trong quá trình tiêu diệt các tế bào ung thư, các liệu pháp điều trị ung thư phổ biến hiện nay cũng gây ra tổn thương cho các cơ quan khỏe mạnh khác trong cơ thể, dẫn đến các phản ứng phụ như: Buồn nôn, ói, tiêu chảy, biếng ăn, rụng tóc, suy nhược... khi đó bệnh nhân sẽ không thể theo đuổi được việc điều trị. Vì vậy, liệu pháp miễn dịch với cơ chế dùng chính tế bào miễn dịch của cơ thể đưa ra ngoài nuôi cấy và hoạt hóa lên, sau đó truyền lại vào cơ thể để làm tăng khả năng tự miễn dịch được kỳ vọng là phương pháp điều trị ung thư của tương lai, đem đến hy vọng tươi sáng hơn cho các bệnh nhân ung thư trên toàn thế giới. Đặc biệt, bổ sung lượng tế bào gốc phù hợp sẽ giúp cơ thể bệnh nhân nâng cao sức đề kháng, khả năng tự phục hồi từ đó giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ tiêu cực lên cơ thể, giúp bệnh nhân có thể theo đuổi việc điều trị lâu dài, triệt để. Hơn thế nữa, tế bào gốc còn có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của khối u ung thư như ung thư vú, ung thư tụy, ung thư phổi và ngăn ngừa ung thư di căn, tái phát. Bên cạnh đó, liệu pháp miễn dịch có thể đem kết hợp với các liệu pháp khác như: Phẫu thuật, xạ trị, thuốc kháng ung thư hoặc đơn phương điều trị đều đem lại kết quả. Nếu được kết hợp với 3 liệu pháp trên sẽ có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau, khắc phục phản ứng phụ, giảm suy nhược cơ thể. Ngoài ra, liệu pháp miễn dịch còn áp dụng cho cả những bệnh nhân cơ thể suy nhược do ung thư, không thể phẫu thuật hoặc không thể dùng thuốc kháng ung thư…

leftcenterrightdel

Hội thảo thu hút đông đảo các bác sĩ, chuyên gia chuyên ngành ung thư tham dự.

Tại hội thảo, GS, TS Phạm Vinh Quang, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn-Khoa Phẫu thuật lồng ngực-tim mạch-nội tiết, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) cho biết, hiện Việt Nam nằm trong Top 2 các nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới và là nước có tốc độ phát triển tỷ lệ ung thư nhanh nhất thế giới. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 70.000 chết vì ung thư và 200.000 người mắc ung thư mới, trong đó có 5.000 ca là trẻ em. Đặc biệt số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một gia tăng, bệnh gặp ở mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề khác nhau. Mặc dù Việt Nam đã và đang đạt được nhiều bước tiến tích cực trong việc điều trị ung thư nhưng căn bệnh này vẫn đang trở thành nỗi lo, nỗi ám ảnh không chỉ của mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà của toàn xã hội.  Vì vậy, điều trị ung thư bằng tế bào gốc đang được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều khả năng mới cho ngành điều trị ung thư tại Việt Nam.

Tại hội thảo, tham luận của các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực miễn dịch và tế bào gốc trong điều trị ung thư của Việt Nam và Nhật Bản đều khẳng định, điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch và tế bào gốc là phương pháp điều trị thứ 4 sau 3 phương pháp: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Phương pháp này cũng được coi là “cuộc cách mạng” trong điều trị ung thư trên thế giới. Đặc biệt, Nhật Bản là nước đi đầu, có tỷ lệ ứng dụng phương pháp điều trị này cao nhất hiện nay.

Tin, ảnh: VƯƠNG THÚY