Nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh sau lũ
Theo Bộ Y tế, trong và sau mưa lũ sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là: Tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, đặc biệt là nguy cơ của dịch bệnh Covid-19 trong điều kiện bão lũ, thiên tai.
 |
Lực lượng vũ trang Quảng Trị hỗ trợ người dân, các nhà trường dọn vệ sinh sau lũ. Ảnh: laodong.vn |
Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), bão lũ thường đi kèm với thiên tai, dịch bệnh. Sau bão lũ môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cũng như các loại chất thải được cuốn theo dòng nước lũ. Nguồn nước, nguồn thực phẩm tại các khu vực bị lũ lụt cô lập cũng khó đảm bảo an toàn, người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ về dinh dưỡng và dịch bệnh gây bệnh.
Các chuyên gia dịch tễ cho hay người dân ở những vùng bị ảnh hưởng rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa do mất an toàn thực phẩm, nguồn nước không đảm bảo, vệ sinh chưa tốt. Bên cạnh đó, sau bão lũ người dân còn dễ mắc các bệnh: Cúm, cảm lạnh, đau mắt, nước ăn chân cùng nhiều bệnh về da liễu. Đặc biệt là sau bão lũ người dân phải cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết, cúm… “Người dân ở những vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt sẽ rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa do nguồn nước, nguồn thực phẩm, điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Bên cạnh đó, nước ăn chân hoặc các bệnh lý da liễu khác, cảm lạnh, cúm, đau mắt cũng là những vấn đề thường gặp”, PGS, TS Trần Đắc Phu cho biết.
Còn theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, sau lũ lụt, khi nước rút khoảng một tuần, thì nhóm bệnh đường tiêu hóa cũng thường bắt đầu xuất hiện và có thể lan rộng khó kiểm soát, phổ biến như: Tiêu chảy cấp, rotavirus, tả, thương hàn, viêm gan A và E, các bệnh giun sán. Nguyên nhân là do sau lũ lụt môi trường ẩm ướt, các mầm bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có cơ hội sinh sôi nảy nở. Vì vậy, sau khi lũ rút khoảng một tuần, cần phải tổng dọn vệ sinh, đảm bảo không để nước bẩn ứ đọng, bùn đất và chất thải phải được xử lý, phân và xác động vật phải được thu gom sạch sẽ.
Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trong thời gian tới, bác sĩ Trần Văn Phúc khuyến cáo người dân ngay khi nước rút phải làm tổng vệ sinh sạch sẽ để không xảy ra các ổ dịch bệnh. Ngoài ra, phải tuân thủ vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, rửa tay thường xuyên để giữ được cơ thể sạch sẽ.
Các tỉnh chủ động phòng, chống dịch bệnh sau lũ
Hiện nay, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung đã rút khá nhiều, chỉ còn một số vùng trũng bị ngập lụt. Mưa lũ, ngập lụt kéo dài nhiều ngày khiến nhiều bệnh dịch truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát vì môi trường bị ô nhiễm nặng. Để bảo vệ sức khỏe và giúp người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống, ngành y tế các tỉnh miền Trung đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh sau lũ như: Vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước; duy trì tốt các hoạt động khám, chữa bệnh.
 |
Lực lượng vũ trang Quảng Trị hỗ trợ người dân, các nhà trường dọn vệ sinh sau lũ. Ảnh: laodong.vn |
Ngay sau khi nước rút, nhiều bệnh viện, trạm y tế, trung tâm y tế huyện của tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương triển khai những biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện vệ sinh môi trường, tập trung vào các xã bị ngập lụt trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cũng đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế tại địa phương, cấp thuốc, hóa chất cho các trung tâm y tế và chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai nhiều hoạt động nhằm sớm trả lại môi trường sạch cho bà con vùng bị ngập lụt.
Tại các huyện trọng điểm của lũ, lụt như: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Minh Hóa…, nguy cơ phát sinh dịch bệnh do ô nhiễm môi trường từ nguồn rác thải, nước tồn đọng sau lũ là rất lớn. Với phương châm “nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó”, các cán bộ y tế của tỉnh Quảng Bình đã sớm có mặt tại các địa phương để hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh môi trường, nguồn nước, cung cấp đầy đủ hóa chất cần thiết như: Cloramin B, Aquatas… cùng các loại thuốc thiết yếu khác để xử lý môi trường và điều trị các loại bệnh thông thường hay mắc phải sau lũ, lụt cho người dân; đồng thời triển khai các biện pháp xử lý nguồn nước trong thời gian sớm nhất nhằm phục vụ cuộc sống, sinh hoạt cho người dân.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, ngay sau khi nước rút, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh đã triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường sau khi nước rút; kiện toàn 3 đội cơ động phòng, chống dịch và sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật.
Theo TS, BS Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc CDC Hà Tĩnh, ngay khi nước rút, trung tâm đã rà soát, bổ sung trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, CDC Hà Tĩnh tăng cường nhân lực cho 3 đội cơ động, chỉ đạo các đội bám sát địa bàn, hướng dẫn, giúp đỡ các huyện xử lý vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt sau lũ lụt, với phương châm nước rút đến đâu xử lý môi trường và nguồn nước sinh hoạt đến đó.
Cùng với sự nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, ngành y tế cũng khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong, sau mưa lũ.
THÁI SƠN