Sản phụ sinh năm 2002 (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) mang thai lần đầu được 35 tuần. Theo chia sẻ của gia đình, sản phụ khám và quản lý thai kỳ ngoài viện. Những lần khám thai trước, sản phụ khám theo lịch hẹn và không phát hiện gì bất thường. Trước nhập viện 2 ngày, sản phụ xuất hiện đau đầu kèm đau bụng, phù nhiều hai chân. Kết quả xét nghiệm: Protein trong nước tiểu, chỉ số tiểu cầu giảm nhẹ, dấu hiệu tăng men gan.

Khi tiếp nhận sản phụ, các bác sĩ tại Khoa Sản đã hội chẩn và nhận định đây là một trường hợp tiền sản giật nặng, theo dõi hội chứng HELLP - một biến chứng nặng nề của bệnh lý tiền sản giật, với tỷ lệ tử vong cao.

Sản phụ hiện đã ổn định sức khỏe và sẽ sớm được xuất viện. 

Lãnh đạo bệnh viện đã hội chẩn khẩn cấp với Khoa Sản và thống nhất chỉ định mổ "bắt" con đồng thời điều trị bệnh lý tiền sản giật cho mẹ. Ca mổ được tiến hành ngay sau đó, một bé trai nặng 2kg chào đời. Em bé được chuyển về Khoa Sơ sinh theo dõi chăm sóc do bé chưa đủ tháng kèm suy dinh dưỡng nhẹ. Sau mổ 30 phút, sản phụ lên cơn sản giật và được xử trí kịp thời. Rất may thời điểm đó, sản phụ đã được mổ lấy thai và theo dõi sát nên không xảy ra tai biến. Hiện tại sức khỏe của mẹ và con đều đã ổn định và sẽ sớm được xuất viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Trang (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), tiền sản giật là một bệnh lý đặc biệt trong thai kỳ, có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, biểu hiện ở tuổi thai trên 20 tuần với triệu chứng đặc trưng là tăng huyết áp, phù nhiều và có protein niệu. Siêu âm thai thường quy là thăm dò phổ biến trong khám thai nhưng không đủ để quản lý thai kỳ an toàn, việc kiểm tra huyết áp và nước tiểu mỗi lần khám thai là bắt buộc để biết sản phụ có bị tiền sản giật không. Kèm theo đó là khám thai tại cơ sở chuyên khoa uy tín với bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa có kinh nghiệm không chỉ giúp mẹ phát hiện tiền sản giật mà còn các bất thường khác trong thai kỳ.

Tiền sản giật có các biến chứng nguy hiểm như thai chậm tăng trưởng thậm chí thai chết lưu trong tử cung, sản giật, tan máu, suy gan, suy thận, phù phổi cấp. Các biến chứng này có thể xảy ra trong khi mang thai cũng như khi chuyển dạ đẻ và đặc biệt có thể gặp cả trong giai đoạn hậu sản. Hiện nay việc chẩn đoán tiền sản giật ngoài kiểm tra huyết áp và nước tiểu, còn có xét nghiệm máu và siêu âm đánh giá Doppler động mạch tử cung quý I thai kỳ để đánh giá nguy cơ tiền sản giật quý II và quý III thai kỳ.

Hiện tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cung cấp đầy đủ các thăm dò và xét nghiệm trong quản lý thai kỳ cùng đội ngũ bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm, là địa chỉ uy tín từ lâu được các sản phụ tin tưởng.

Tin, ảnh: NGUYỄN NINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.