Tại hội thảo, PGS, TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, nhiều bà mẹ Việt Nam mắc sai lầm trong chăm sóc trẻ nhỏ đó là cho trẻ ăn dặm quá sớm, không cho trẻ tập nhai, chỉ cho ăn nước mà không ăn rau, cho trẻ xem phim, điện thoại khi ăn và ép trẻ ăn…
Theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Việt Nam đang phải đối phó đồng thời 3 gánh nặng về dinh dưỡng, bao gồm: Thiếu dưỡng, thừa dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng. Bên cạnh thực trạng suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn tồn tại dai dẳng ở các khu vực khó khăn, nông thôn miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng đặc biệt ở khu vực đô thị.
Những vấn đề dinh dưỡng trẻ em này sẽ làm chậm lại sự phát triển về tầm vóc, thể lực và trí tuệ cũng như gia tăng gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành. Một trong những nguyên nhân của vấn đề là thực hành dinh dưỡng chưa tối ưu, đặc biệt là thực hành cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ được 6 đến 23 tháng tuổi.
 |
Đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia ký kết hợp tác với một số đơn vị cam kết cải thiện thực hành ăn dặm trong 1.000 ngày đầu đời cho trẻ em tại Việt Nam.
|
Trao đổi bên lề hội thảo, GS Chiharu Tsutsumi, giảng viên ngành Dinh dưỡng sức khỏe, Khoa Khoa học dinh dưỡng (Đại học Nữ sinh Sagami - Nhật Bản) cho hay, cha mẹ cần chú ý đến nhu cầu của trẻ khi cho trẻ bắt đầu ăn dặm. Trong đó, lượng ăn thích hợp phụ thuộc vào thể chất và mức độ hoạt động của từng đứa trẻ, được xác định bằng việc cân nặng và chiều cao của trẻ có tăng theo đường cong tăng trưởng hay không. Do vậy, nếu cân nặng và chiều cao của trẻ tăng theo đường cong tăng trưởng thì không cần thiết phải tăng hay giảm chế độ ăn của trẻ.
 |
Chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn cho trẻ ăn dặm. Ảnh: PHONG LAN |
Tại hội thảo, ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam hy vọng những kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành về bữa ăn và định lượng dinh dưỡng hợp lý, hướng dẫn hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung của người Nhật sẽ được sử dụng và phổ biến rộng rãi hơn trong tương lai nhằm cải thiện sức khỏe của phụ nữ mang thai và tạo thói quen sử dụng thức ăn phù hợp cho trẻ nhỏ qua đó góp phần vào sự phát triển khỏe mạnh của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại Việt Nam.
Tại hội thảo, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã ký kết hợp tác với một số đơn vị cam kết cải thiện thực hành ăn dặm trong 1.000 ngày đầu đời cho trẻ.
Tin, ảnh: HÀ VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.