FCTC là Công ước quốc tế đầu tiên về sức khỏe, công cụ kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất của thế giới, được thương thảo dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với 182 nước đã tham gia.

Ngày 11-11-2004, Việt Nam phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO. Tham gia FCTC, các quốc gia đều cam kết quyết tâm bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai khỏi việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc lá.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, cần cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: “Từng có ý kiến cho rằng, nếu Bộ Y tế cấp phép cho thuốc lá mới, thì sẽ có nguồn thu không hề nhỏ từ việc thuốc lá làm gia tăng số lượng người bệnh đến các cơ sở y tế - nguồn thu cho các bệnh viện. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu, nhất quán đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng".

Chia sẻ tại hội thảo, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm (đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam) cho biết, hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trên toàn cầu, với 8 triệu ca tử vong mỗi năm và 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động (64% là nữ; 165.000 ca là trẻ em dưới 5 tuổi).

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tại Việt Nam, qua tổng hợp của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh cho thấy, tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong đó, nhiều người đã nhập viện ngay từ lần đầu tiên sử dụng, với các triệu chứng: Dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp...

Quang cảnh hội thảo. 

Đáng lo ngại, các nghiên cứu gần đây cho thấy, nhóm người sử dụng thuốc lá mới chủ yếu là giới trẻ.

Chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh trong độ tuổi 13-15 đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cũng cao ở nhóm tuổi từ 15-24 (7,3%).

Thực tế, hơn 60 năm qua, ngày càng nhiều người hút thuốc hơn, ít người bỏ thuốc hơn, đồng thời gây ra nhiều ca tử vong hơn.

“Do tác hại nghiêm trọng của các sản phẩm thuốc lá mới tới sức khỏe, đặc biệt là thế hệ trẻ, chúng ta phải quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng chúng trước khi quá muộn”, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết.

Tin, ảnh: HÀ VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.