Đây là những đội viên, thiếu nhi tiêu biểu được lựa chọn từ các địa phương. Sự kiện do Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội Trung ương tổ chức, phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các đơn vị liên quan.

Tham dự phiên khai mạc có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Phiên họp; Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng ban Tổ chức Phiên họp.

Tại phiên khai mạc, 306 đại biểu trẻ em đã bỏ phiếu nhất trí 100% thông qua chương trình làm việc của kỳ họp. Năm nay, đại biểu Lê Gia Vinh (Đồng Nai) được lựa chọn làm Chủ tịch Quốc hội Trẻ em. Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trẻ em là đại biểu Nguyễn Phan Quỳnh Như (Cần Thơ), cùng 3 Phó chủ tịch khác là các đại biểu Lê Hoàng Long (Sơn La), Nguyễn Quang Anh (Hà Nội) và Hà Phan Bách Hợp (Đà Nẵng). Đại biểu Trần Minh Đăng (Quảng Bình) đảm nhận vai trò Tổng Thư ký Quốc hội Trẻ em.

leftcenterrightdel
Em Lê Gia Vinh (Đồng Nai), Chủ tịch Quốc hội Trẻ em phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: CHÂU NGUYỄN
leftcenterrightdel

 Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Trẻ em. Ảnh: CHÂU NGUYỄN

Chiều cùng ngày, các đại biểu đã tham gia phiên thảo luận tổ về hai chủ đề chính: “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các chất kích thích, đặc biệt trong môi trường học đường”. Tổng cộng có 12 tổ thảo luận, mỗi tổ đều có sự tham gia hỗ trợ về mặt kỹ thuật và chuyên môn của các chuyên gia trong lĩnh vực đến từ tổ chức Plan International Việt Nam - đơn vị đồng hành cùng Hội đồng Đội Trung ương trong việc tổ chức Phiên họp giả định.

Với tổng cộng 12 tổ thảo luận, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi. Đáng chú ý, tại Tổ thảo luận số 7, các đại biểu nhấn mạnh, bạo lực học đường ngày nay không chỉ dừng lại ở bạo lực thể chất mà còn trở nên tinh vi và gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn do hình thức bạo lực tinh thần, như việc cô lập và bắt nạt. Về giải pháp, các ý kiến đều cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường, gia đình và cộng đồng để hỗ trợ kịp thời cho các em học sinh.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh tại Tổ thảo luận số 5. Ảnh: CHÂU NGUYỄN

Trong khi đó, tại Tổ thảo luận số 9 về vấn đề phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhiều đại biểu cho rằng các quy định hiện hành về buôn bán thuốc lá điện tử còn chưa đủ mạnh và chế tài chưa đủ sức răn đe. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo, như ứng dụng quét căn cước công dân để kiểm tra độ tuổi người mua trên các cửa hàng trực tuyến. Em Trần Quốc Huy, đại biểu tỉnh Kon Tum, cho rằng Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Công an quy định tất cả các nơi buôn bán các chất kích thích, thuốc lá, rượu bia đều phải lắp camera để quản lý chặt chẽ việc bán hàng cho người chưa đủ 18 tuổi theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Em Trần Minh Đăng (Quảng Bình) phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: CHÂU NGUYỄN

Ngày 29-9, tại Hội trường Diên Hồng trong phiên toàn thể, Quốc hội Trẻ em sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về 2 vấn đề này, đồng thời thảo luận và thông qua Nghị quyết của phiên họp. Nghị quyết này sẽ được xem như một báo cáo kiến nghị của cử tri đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến trẻ em.

PHƯƠNG LINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.