Cụ thể, thai nhi có khối u quái vùng cùng cụt khổng lồ, kích thước gấp đôi cơ thể, được bác sĩ 3 chuyên khoa: Sản, Sơ sinh và Ngoại nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh phối hợp mổ lấy thai an toàn ở tuần 34, phẫu thuật cắt u thành công sau 2 tiếng chào đời.

Bé G. chào đời với khối u khổng lồ nặng gần 2kg. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, bé G. chào đời nặng 3,4kg, trong đó khối u nặng 1,8kg, dài gần 20cm. Ngay lúc đó, ê kíp bác sĩ sơ sinh cho bé thở oxy, chăm sóc sau sinh, ổn định sinh hiệu. Bác sĩ Ngoại nhi thăm khám, quyết định đưa bé về phòng chăm sóc đặc biệt Trung tâm Sơ sinh (NICU), dự kiến sau 24 giờ, khi bé ổn định sẽ được mổ tách khối u.

Sau hai tiếng, bên trong khối u bắt đầu có tình trạng chảy máu, khối u to ra thêm, bé nguy cơ sốc mất máu, đe dọa tính mạng. Bệnh viện lập tức kích hoạt chế độ cấp cứu toàn viện, chuyển ngay bệnh nhi lên phòng mổ.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đỗ Trọng cho biết: “Khối u dính liền với cơ thể, nếu tách ra sẽ khiến bé bị mất một khối lượng máu lớn, vì vậy cần phải vừa hồi sức và vừa phẫu thuật. Ê kíp bác sĩ gây mê hồi sức đảm bảo huyết động, bác sĩ phẫu thuật kiểm soát máu chảy. Đồng thời bệnh nhi được dự trữ ngân hàng máu, chuẩn bị tất cả các chế phẩm máu như hồng cầu, huyết tương, tiểu cầu… để bù lại cho bé trong và sau mổ. Bên cạnh đó khối u rất lớn, có thể liên quan tới đại trực tràng, bàng quang, cơ quan tiết niệu sinh dục và các cấu trúc xung quanh”.

Ê kíp bác sĩ ngoại nhi và gây mê sơ sinh phối hợp phẫu thuật tách khối u cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh 

Sau gần 4 tiếng, khối u được tách ra khỏi cơ thể, bệnh nhi được chuyển về NICU tiếp tục theo dõi, cuối tháng 5, sức khỏe ổn định, bé G. sẽ được xuất viện.

U quái vùng cùng cụt là bệnh lý hiếm gặp với tỷ lệ khoảng 1/20.000 - 40.000 ca sinh, được chia thành 4 type (4 loại). Loại I, khối u nằm hoàn toàn ở ngoài vùng xương cùng cụt như trường hợp bé G. Loại II, u nằm một phần ở trong bụng và ngoài xương cùng cụt như hình quả tạ. Loại III, u nằm hầu hết trong bụng nhưng vẫn có thể thấy một phần ở ngoài vùng xương hay tầng sinh môn và loại IV, khối u nằm hoàn toàn trong ổ bụng.

Hiện chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, với em bé bệnh có thể gây tình trạng suy tim thai, đối với mẹ sẽ gây đa ối và hội chứng xoay gương, dẫn đến phù nhau thai. Đặc biệt khối u có thể vỡ bất cứ lúc nào trước, trong và sau sinh khiến cả mẹ lẫn bé bị sốc mất máu, dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Nhi cho biết, u quái cùng cụt có thể phát hiện sớm thông qua việc siêu âm tiền sản bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại, từ đó đánh giá nguy cơ và lên các phương án điều trị cho trẻ ngay khi vừa chào đời. Thai phụ cần khám thai định kỳ tại các đơn vị có đầy đủ trang thiết bị để phát hiện sớm bệnh cũng như các dị tật bẩm sinh.

CHÂU ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.