Cách đây 50 năm, đêm 21, rạng sáng 22-12, máy bay B-52 trút hơn 100 quả bom xuống Bệnh viện Bạch Mai - một trong những cơ sở y tế hàng đầu miền Bắc nước ta, cướp đi sinh mạng của 28 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên và khiến nhiều người bị thương. Trận bom hủy diệt ấy còn khiến 3 khu nhà cao tầng kiên cố bị đổ sập, nhiều nhà khác bị hư hại, hàng nghìn ô cửa kính nát vụn, hàng nghìn máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế bị vùi lấp và hư hỏng khiến bệnh viện gần như bị san phẳng.

leftcenterrightdel

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai tặng quà, tri ân GS, TS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Tại lễ tri ân, bà Bùi Thị Hằng Nga, Chủ tịch UBND phường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trong số những bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nhân viên của bệnh viện bị bom đạn địch sát hại, mỗi người một hoàn cảnh riêng, song hầu hết đều là những tấm gương sáng tận tụy với công tác và phục vụ bệnh nhân. “Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự kiện ngày nào ở Bệnh viện Bạch Mai vẫn còn đó như nhắc nhở mỗi chúng ta và những thế hệ hôm nay và mai sau về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc”, bà Bùi Thị Hằng Nga xúc động nói.

GS, TS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (1969-1983) kể lại: “Thời điểm đó, hoang tàn nhất là khu phía trung tâm bệnh viện. Hơn một nửa bị bom đánh sập. Bom dội qua tầng 2 xuống tầng 1 và khoét sâu vào tầng hầm, lấp kín mọi lối ra vào. Các khu khoa ngoại, sản, tai mũi họng đều bị bắn phá, mọi dụng cụ đều hư hỏng, vùi lấp. Nơi tổn thất và đau thương nhất là 2 khoa nội tổng hợp và khoa da liễu”.

leftcenterrightdel

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tặng cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai là nhân chứng lịch sử trong 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 với số tiền 288 triệu đồng.

Bày tỏ niềm khâm phục, tự hào về sự dũng cảm, kiên cường và sáng tạo của các thế hệ cha anh trong cuộc chiến bảo vệ và giành độc lập dân tộc, PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, 50 năm đi qua, lịch sử đã sang trang mới, lớp lớp các thế hệ cán bộ đã xây dựng bệnh viện từ đổ nát trong chiến tranh trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt hàng đầu cả nước với quy mô 3.200 giường bệnh.

“Trong đại dịch Covid-19, bệnh viện cũng đã cử nhiều đoàn công tác, chuyên gia đầu ngành và nhân viên y tế mang theo trang thiết bị y tế, hỗ trợ các địa phương trên cả nước nhanh chóng khoanh vùng dập dịch. Có thể nói, trong thời bình, các chiến sĩ áo trắng của bệnh viện đã tiếp nối truyền thống cha ông, cũng xẻ dọc đất nước, tham gia trên mọi trận tuyến để chiến đấu với kẻ thù vô hình - giặc Covid-19”, PGS, TS Đào Xuân Cơ nhấn mạnh.


Tin, ảnh: HÀ VŨ