Theo bác sĩ Tạ Thùy Linh, Phó khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), không có một công thức bữa ăn nào phù hợp cho tất cả bệnh nhân ĐTĐ mà tùy từng thể trạng, cân nặng và mức độ tiêu hao năng lượng từng người sẽ có một chế độ ăn khác nhau. Trước đây, bệnh nhân ĐTĐ thường ăn kiêng quá mức dẫn tới tình trạng thiếu chất lâu dài hoặc có thể gây hạ đường huyết đột ngột cũng rất nguy hiểm. Với quan điểm mới hiện nay thì người bệnh cần có một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng. Vậy, làm sao để người bệnh ĐTĐ tận hưởng những ngày Tết và ăn những món ăn ngon, nhưng vẫn kiểm soát được đường máu.
Bác sĩ Tạ Thùy Linh khuyên người bệnh ĐTĐ nên thay đổi thời gian tiêm insulin và uống thuốc phù hợp với thời gian các bữa ăn trong những ngày Tết. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân ĐTĐ tiêm các mũi tiêm insulin với thời gian khá gần nhau có thể làm tăng nguy cơ hạ đường máu. Vì vậy, nên cố gắng để 2 lần tiêm insulin cách nhau tối thiểu 4 giờ. Ngoài ra, người bệnh có thể giữ nguyên thời điểm dùng thuốc như ngày thường bằng cách ăn nhẹ vào thời điểm các bữa ăn thường ngày. Điều này sẽ hạn chế việc thay đổi thời điểm dùng thuốc hằng ngày, giúp đường máu ổn định hơn.
 |
Bệnh nhân mắc ĐTĐ cần thường xuyên kiểm tra đường huyết.
|
Nhiều loại thực phẩm truyền thống trong ngày Tết có chứa nhiều đường, tinh bột như xôi, bánh chưng, bánh tét và những loại bánh kẹo, mứt khác. Đây là những thực phẩm gây tăng đường máu cao hơn những loại thực phẩm thường ngày như cơm, bún, phở. Người bệnh ĐTĐ không cần phải kiêng tuyệt đối những loại thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều tinh bột vì có thể là nguyên nhân gây hạ đường máu và khó kiểm soát đường máu, nhưng không nên ăn quá nhiều những loại thực phẩm này. Rau xanh là thực phẩm chứa nhiều chất xơ sẽ giúp hạn chế tăng đường máu hơn, các loại rau không không chứa tinh bột (như súp lơ, rau cải, rau muống...) có nhiều lợi ích cho người bệnh ĐTĐ. Với trái cây nên hạn chế những loại trái cây như mít, sầu riêng, nhãn, vải, dưa hấu.
Mặt khác, người ĐTĐ cần hạn chế rượu bia để kiểm soát đường máu tốt hơn. Việc theo dõi đường máu sẽ giúp các bệnh nhân ĐTĐ có thể thay đổi chế độ ăn và liều thuốc phù hợp. Vì vậy có thể điều chỉnh liều insulin theo hướng dẫn của bác sĩ nếu đường huyết quá cao hoặc quá thấp. Trong trường hợp có những bất thường về đường máu như hạ đường máu thường xuyên hay đường máu quá cao hoặc có những triệu chứng bất thường như mệt mỏi, khát nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân nhanh chóng, người mắc ĐTĐ cần báo cho bác sĩ hoặc đến khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất.
AN AN