*Bộ Y tế cho biết,  Tính từ 17 giờ ngày 14-10 đến 17 giờ 15-10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19, ghi nhận 3.797 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 3.789 ca ghi nhận trong nước (tăng 701 ca so với ngày trước đó) tại 47 tỉnh, thành phố (có 1.475 ca trong cộng đồng).

 

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP Hồ Chí Minh (1.131), Đồng Nai (586), Bình Dương (533), Sóc Trăng (414), An Giang (170), Cà Mau (168), Kiên Giang (82), Đồng Tháp (78), Tiền Giang (70), Tây Ninh (64), Long An (47), Cần Thơ (43), Bạc Liêu (40), Hậu Giang (34), Gia Lai (30), Khánh Hòa (28), Thanh Hóa (27), Nghệ An (25), Thừa Thiên Huế (22), Trà Vinh (18), Vĩnh Long (15), Hà Nam (15), Quảng Trị (13), Bà Rịa - Vũng Tàu (12), Quảng Bình (12), Bến Tre (12), Quảng Nam (11), Bình Phước (11), Ninh Thuận (9), Sơn La (9), Bình Định (9), Lâm Đồng (8 ), Đắk Nông (8 ), Quảng Ngãi (7), Phú Thọ (5), Kon Tum (4), Hà Tĩnh (4), Lai Châu (2), Yên Bái (2), Hưng Yên (2), Thái Bình (2), Phú Yên (2), Hải Dương (1), Bắc Giang (1), Lạng Sơn (1), Lào Cai (1), Hà Nội (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh giảm 210 ca, Bình Thuận giảm 61 ca, Đồng Nai giảm 61 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng tăng 414 ca, TP Hồ Chí Minh tăng 222 ca, Cà Mau tăng 168 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.559 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 857.639 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.710 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay) số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 852.986 ca, trong đó có 786.106 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên.

14 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (415.875), Bình Dương (224.492), Đồng Nai (57.708), Long An (33.614), Tiền Giang (14.844).

Bộ Y tế cho biết, trong ngày ghi nhận 93 ca tử vong. Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh (61), Bình Dương (18), Tiền Giang (4), Tây Ninh (2), Long An (2), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (1), Đắk Lắk (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1).  Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 101 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.043 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

*Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngày 15-10, Hà Nội ghi nhận một bệnh nhân tại Phú Xuyên đã được cách ly. Bệnh nhân là C.T.H, nữ, sinh năm 1993, tại Châu Can, Phú Xuyên. Ngày 14-10, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.

Tính từ ngày 29-4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 4079 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1606 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2473 ca.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống 

*Thực hiện Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12-10-2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn thành phố với các tiêu chí 1 (về tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian) tiêu chí 2 (về độ bao phủ vắc xin).

Số ca mắc ghi nhận tại cộng đồng trong 2 tuần qua là 4 (3 ca bệnh tại Hà Đông và 1 ca tại Hoàn Kiếm), dân số của toàn thành phố là gần 8,4 triệu người. Như vậy, số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người dân/tuần đạt xấp xỉ 0,025 (mức 1). Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố (tính đến hết ngày 14-10, toàn thành phố tiêm được 8.922.016 mũi vắc xin phòng Covid-19, trong đó có 5.914.715 mũi 1(đạt 97,95% dân số trên 18 tuổi) cũng đáp ứng đủ tiêu chí cấp độ 1.

*Bộ Y tế tiếp nhận gần 2 triệu liều vắc xin Astrazeneca do Ba Lan và Hàn Quốc tài trợ

Chiều 15-10, tại Bộ Y tế đã diễn ra lễ tiếp nhận gần 2 triệu liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca của Chính phủ và nhân dân Ba Lan; Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc viện trợ cho Việt Nam phục vụ công tác phòng chống dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế tiếp nhận các lô vắc xin này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (trái) tiếp nhận lô vắc xin AstraZeneca của Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc trao tặng. Ảnh: Trần Minh

Tại buổi lễ, Chính phủ và nhân dân Ba Lan đã viện trợ thêm 887.700 liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca cho Việt Nam (lô vaccine này đã về Việt Nam sáng ngày 14-10). Trước đó, Ba Lan cũng đã viện trợ 501.600 liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca cho Việt Nam.

Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc viện trợ cho Việt Nam 1,1 triệu liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca. Lô vắc xin này đã về đến Việt Nam tối ngày 13-10.

Tại buổi lễ tiếp nhận, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ lời cảm ơn Chính phủ và nhân dân Ba Lan, Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã hỗ trợ, chia sẻ với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 nói riêng (trong đó hỗ trợ có vắc xin Covid-19 cùng 1 số trang thiết bị, dược phẩm phục vụ phòng chống dịch) cũng như các hoạt động khác trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân nói chung.

Bộ Y tế cam kết sẽ phân bổ số vắc xin Covid-19 này tới các đơn vị và địa phương phòng, chống dịch căn cứ theo tình hình thực tế để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch khẩn cấp, đảm bảo phù hợp, hiệu quả.

* Tỉnh Bình Dương vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 tại các chốt kiểm soát dịch. Cụ thể, người vào tỉnh phải đủ các điều kiện và có giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, kèm giấy xét nghiệm âm tính trong 7 ngày.

Tỉnh đang họp bàn thống nhất lại việc kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính đối với người dân vào tỉnh và lưu thông nội tỉnh. Sau khi thống nhất sẽ có hướng dẫn cụ thể để tạo thuận lợi cho người dân, công nhân lao động và doanh nghiệp

* Từ ngày 14-10, người vào tỉnh Quảng Trị vẫn phải có giấy test nhanh âm tính với SARS-CoV-2; người tiêm đủ 2 liều vắc xin về từ vùng dịch, phải cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày. Tỉnh đã ban hành công văn gửi các sở, ngành, địa phương yêu cầu xây dựng kế hoạch "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, trình UBND tỉnh trước ngày 16-10.

*Bộ Y tế cho biết, từ nay đến hết tháng 10-2021, vắc xin Covid-19 tiếp tục được cung ứng, do đó để đảm bảo sử dụng vaccine nhanh chóng, hiệu quả, tăng nhanh diện bao phủ để từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới, cần tiêm chủng mỗi ngày đạt ít nhất 2 triệu liều.

Ngày 15-10, Bộ Y tế đã có công điện số 1599/CĐ- BYT gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19;  Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường tiêm chủng vắc xin Covid-19. 

GIA KHÁNH