Trẻ thừa cân, béo phì, mắc bệnh lý nền dễ nhiễm Covid-19
Ngày 14-10, Bộ Y tế đã có văn bản về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu cho biết: Hiện nay, Việt Nam có 30% dân số là trẻ em. Vì vậy, nếu muốn tạo được miễn dịch cộng đồng để phòng, chống dịch Covid-19 thì phải hướng đến bao phủ vắc xin Covid-19 cho trẻ em.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước nhấn mạnh: Trước đây, dữ liệu cho thấy trẻ em là đối tượng ít có nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng, nhưng gần đây đã ghi nhận những trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch ở trẻ thừa cân, béo phì hay những bệnh lý nền khác. Trên thế giới nhiều nước như Ấn độ, Indonesia…. đã ghi nhận những trường hợp tử vong. Bên cạnh đó sự xuất hiện của biến thể Delta đã làm dấy lên mối lo ngại, do sự lây lan dễ dàng hơn của biến thể này có thể dẫn tới nhiều trường hợp nhập viện và nhiều ca bệnh nặng ở trẻ em.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, tiêm chủng cho trẻ em cũng được coi là chiếc chìa khóa để giữ môi trường học an toàn. Đó cũng là bước cuối cùng để có thể hạn chế lây lan của dịch bệnh, bởi một khi trẻ em còn chưa được bảo vệ, thì các em vẫn có thể trở thành nguồn lây lan dịch bệnh.
 |
Tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ảnh:TTXVN |
Bộ Y tế đề nghị báo cáo cung ứng, giá bán test xét nghiệm SARS-CoV-2
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký công văn đề nghị các cơ sở sản xuất, nhập khẩu test xét nghiệm SARS-CoV-2 khẩn trương báo cáo các thông tin khả năng cung ứng và giá bán tại thời điểm hiện tại (bao gồm các sản phẩm chưa được cấp giấy phép nhập khẩu, cấp số lưu hành cơ sở có nhu cầu kinh doanh).
Trong đó, các đơn vị báo cáo về khả năng cung ứng test xét nghiệm SARS-CoV-2 (tên, chủng loại test xét nghiệm, Hãng, nước sản xuất/cung ứng, thông tin về lưu hành sản phẩm, thông số kỹ thuật của sản phẩm, khả năng cung ứng theo tháng, giá bán theo đơn vị đóng gói nhỏ nhất (đồng), các thông tin khác có liên quan); đồng thời, báo cáo về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sản xuất/nhập khẩu test xét nghiệm SARS-CoV-2 (nếu có).
Bộ Y tế đề nghị các cơ sở ký, tên đóng dấu các văn bản, tài liệu gửi về Bộ Y tế trước 16 giờ ngày 17-10, và các cơ sở chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của toàn bộ thông tin công bố với Bộ Y tế.
Bộ Y tế sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ đồng thời thông báo cho các đơn vị, địa phương thông tin test xét nghiệm SARS-CoV-2 (đã được cấp phép) để tham khảo trong quá trình quyết định mua test xét nghiệm SARS-CoV-2.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (SARS-CoV-2) gây ra (dịch Covid-19) và yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 phục vụ phòng chống dịch Covid-19 hiện nay, Bộ Y tế khuyến khích và ủng hộ các cơ sở sản xuất và kinh doanh tìm kiếm nguồn hàng trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro chẩn đoán xét nghiệm SARS-CoV-2 (test xét nghiệm SARS-CoV-2) chất lượng, tin cậy, giá thành hợp lý, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Hơn 216.000 bệnh nhân Covid-19 ở Bình Dương đã khỏi bệnh
Tối 14-10, Sở Y tế Bình Dương thông báo, toàn tỉnh ghi nhận 483 ca mắc mới, giảm 18 ca so với ngày 13-10. Các ca mắc trong ngày chủ yếu phát hiện trong khu phong tỏa với 386 ca, 85 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng và 12 ca phát hiện tại hiện cơ sở y tế.
Cũng trong ngày 14-10, toàn tỉnh ghi nhận 1.908 bệnh nhân xuất viện, khỏi bệnh, nhiều nhất là tầng 1 với 1.822 người xuất viện, còn lại là tầng 2 và tầng 3 ghi nhận 86 người. Tích lũy số bệnh nhân khỏi bệnh trong đợt dịch lần thứ 4 là 216.020. Trong ngày, số bệnh nhân thu dung mới là 448 bệnh nhân và 10 bệnh nhân tử vong.
Hiện 91/91 xã, phường, thị trấn của Bình Dương là vùng xanh, theo đơn vị ấp, khu phố toàn tỉnh không còn "vùng đỏ", có 1 ấp, khu phố "vùng cam", 15 ấp, khu phố "vùng vàng" và 569 ấp, khu phố "vùng xanh".
Thành lập 94 trạm y tế lưu động ở tỉnh Long An
Để triển khai các hoạt động phòng, chống Covid-19 tại nhà và cộng đồng đạt hiệu quả cao trong tình hình dịch Covid-19, đến nay, Long An thành lập được tổng cộng 94 trạm y tế lưu động tại 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trạm y tế lưu động được bố trí trụ sở làm việc, mỗi trạm có từ 4 đến 9 cán bộ làm việc. Đa số các trạm đều có bác sĩ phụ trách, các nhân viên còn lại là điều dưỡng, y tế ấp, trưởng, phó ấp, tình nguyện viên tham gia hoạt động.
Các trạm y tế được trang bị danh mục thuốc cơ bản, ôxy y tế, trang thiết bị thiết yếu, hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm cho các hoạt động.
Do tình hình dịch bệnh tại tỉnh Long An tạm thời được khống chế, số trường hợp F0 hàng ngày dưới 100 ca, số bệnh nhân Covid-19 thuộc tầng 1 hiện còn dưới 1.000 ca, nên đa số trường hợp F0 được điều trị cách ly tập trung tại các bệnh viện dã chiến, số trường hợp F0 được điều trị tại nhà không nhiều, vì vậy, trạm y tế lưu động chỉ thực hiện các nhiệm vụ: Quản lý các trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn, tư vấn và hỗ trợ bệnh nhân khi cần thiết, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, hỗ trợ công tác xét nghiệm cộng đồng định kỳ, hỗ trợ tiêm vaccine phòng Covid-19,...
Lũy kế đến ngày 14-10, Long An ghi nhận 33.576 ca mắc Covid-19 (trong đó 8.303 cộng đồng, 2.908 khu cách ly, 22.365 khu phong tỏa); điều trị khỏi 31.666 ca (94,31%); tử vong 454 ca (1,35%), đang điều trị tại bệnh viện 1.418 ca (4,22%), chờ khu cách ly tạm 38 ca (0,11%).
GIA KHÁNH