Bình Dương, Đồng Nai có số ca mắc giảm mạnh

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính đến tối 11-10, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai có số ca mắc trong ngày giảm nhiều nhất. Cụ thể, Bình Dương giảm 336 ca, Đồng Nai giảm 163 ca, Bình Thuận giảm 64 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 843.281 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.565 ca nhiễm).

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN 

Các địa phương ghi nhận thêm F0

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bến Tre, từ 18 giờ ngày 11-10 đến 6 giờ ngày 12-10, tỉnh ghi nhận thêm 10 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn tỉnh là 2.045 ca. Trong 10 ca dương tính vừa ghi nhận, có một ca tại cộng đồng có địa chỉ Tam Phước, Châu Thành là tài xế chở hàng, thường xuyên đi TP Hồ Chí Minh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chiều 11-10, trên địa bàn tỉnh Hà Nam ghi nhận 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca mắc trong ngày lên 21 trường hợp. Các trường hợp ghi nhận chiều 11-10 có địa chỉ tại huyện Kim Bảng 5 trường hợp, huyện Bình Lục một trường hợp.

Như vậy, tính từ ngày 19-9 đến chiều 11-10, toàn tỉnh đã ghi nhận 641 ca bệnh mắc Covid-19.

*Ngày 11-10, Tây Ninh ghi nhận 111 ca dương tính với SARS-CoV-2, tăng 60 ca so với ngày 10-10. Trong đó, 90 ca phát hiện qua test sàng lọc, 19 ca cách ly tập trung và 2 ca trong khu phong toả.

Từ đầu vụ dịch đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 9.418 bệnh nhân Covid-19; trong đó, đã xuất viện 8.585 người, đang điều trị 693 bệnh nhân. Tỉnh thiết lập 790 vùng phong toả, trong đó đang phong toả 114 vùng, giải toả 676 vùng. Hiện có 1.233 người cách ly tập trung và 3.565 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Sẽ ban hành hướng dẫn tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-18 tuổi

Tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành nhằm đánh giá công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 diễn ra chiều 11-10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trước ngày 15-10, Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dự kiến trong 20 ngày cuối tháng 10, Việt Nam có thể tiếp nhận gần 40 triệu liều vaccine từ các nguồn khác nhau. Số lượng vaccine trong 2 tháng cuối năm có thể về Việt Nam lên tới hơn 65 triệu liều.

Bên cạnh việc đẩy rất nhanh tiến độ tiêm vaccine trong năm 2021, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch tiêm vaccine năm 2022. Theo đó, dự kiến nhu cầu cung ứng vaccine trong năm 2022 ở Việt Nam lên tới 166 triệu liều để tiêm cho các đối tượng, bao gồm cả trẻ từ 12 - 18 tuổi. 

Tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Ảnh: hanoimoi.com.vn 

Về đối tượng tiêm, ngoài các đối tượng đã nêu rõ trong Nghị quyết 21, Nghị quyết 105 của Chính phủ và Quyết định 3355 của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch (y tế, công an, tổ Covid cộng đồng, quân đội…) vì đây là đối tượng thường xuyên tiếp xúc và nguy cơ cao lây nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, người từ 50 tuổi trở lên; người mắc bệnh nền, người nước ngoài, người lao động làm việc trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhà máy nhỏ lẻ để nhanh chóng phục hồi sản xuất cũng cần được ưu tiên tiêm chủng. 

Về việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người nước ngoài, Thứ trưởng Tuyên yêu cầu các tỉnh, thành phải thiết lập đầu mối liên hệ để các doanh nghiệp, địa phương lập danh sách người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn gửi đến. “Các tỉnh phải tiêm bao phủ mũi 1 vaccine cho người nước ngoài trước 31-10, cập nhật ngay số liệu lên hệ thống tiêm chủng”.

Bên cạnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm, tăng diện bao phủ tiêm mũi 1, an toàn trong tiêm chủng, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đặc biệt lưu ý với vấn đề thúc đẩy tiến trình giao-nhận, vận chuyển vaccine kịp thời về địa phương, đơn vị.

Nhiều bệnh viện phục hồi công năng ban đầu

Sau khi có hai Bệnh viện Quận 7 và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi trở về công năng tiếp nhận người bệnh không mắc Covid-19, Sở Y tế Thành phố đang lên lộ trình đến ngày 31-12-2021 đưa toàn bộ các bệnh viện trên địa bàn phục hồi công năng ban đầu. Tuy nhiên, dù phục hồi công năng ban đầu, các cơ sở y tế phải luôn ở trong trạng thái "bình thường mới". Thông tin được lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ ngày 11-10.

Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang xây dựng lộ trình phục hồi công năng các bệnh viện trở về trạng thái "bình thường mới" với mục đích đảm bảo cho các bệnh viện thực hiện 2 chức năng vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc Covid-19, vừa đảm bảo chức năng khám bệnh, chữa bệnh thông thường và điều trị chuyên khoa cho người dân Thành phố và các tỉnh thuộc khu vực phía Nam.

Khu điều trị người bệnh Covid-19 tư nhân đầu tiên tại tỉnh Bạc Liêu

Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu bắt đầu tiếp nhận, đưa vào điều trị cho 14 bệnh nhân Covid-19, tại Khu điều trị và hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của bệnh viện. Đây là cơ sở y tế tư nhân đầu tiên của tỉnh góp sức phòng, chống dịch Covid-19.

Theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, trong đợt dịch lần thứ 4, Bộ Y tế đã kêu gọi khối y tế tư nhân cùng góp sức phòng, chống dịch, hưởng ứng lời kêu gọi trên, bệnh viện đã chủ động đề xuất với Sở Y tế và UBND tỉnh Bạc Liêu xin được tham gia vào hệ thống điều trị Covid-19, góp phần giảm tải áp lực tại các bệnh viện công lập trong tỉnh.

Ngay sau khi được sự chấp thuận của UBND tỉnh Bạc Liêu, Bệnh viện đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây mới một khu điều trị nằm tách biệt hoàn toàn và có cổng ra vào riêng với khu vực khám chữa bệnh nội, ngoại trú thông thường. Khu này đảm bảo đáp ứng các tiêu chí an toàn của Bộ Y tế hướng dẫn khi điều trị cho bệnh nhân F0 và không ảnh hưởng đến khu vực khám chữa bệnh, cấp cứu bệnh lý thông thường khác.

THÁI SƠN