Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh (3.786), Bình Dương (2.978), Đồng Nai (803), Kiên Giang (203), Long An (194), Tiền Giang (112), An Giang (90), Cần Thơ (57), Tây Ninh (53), Đồng Tháp (40), Đắk Lắk (33), Bình Thuận (24), Khánh Hòa (19), Bình Định (18), Ninh Thuận (16), Hà Nam (15), Bà Rịa - Vũng Tàu (13), Vĩnh Long (11), Quảng Bình (9), Phú Yên (9), Quảng Ngãi (7), Hà Nội (5), Cà Mau (6), Đắk Nông (4), Đà Nẵng (4), Thừa Thiên Huế (4), Quảng Trị (4), Hậu Giang (4), Bến Tre (3), Bình Phước (2), Trà Vinh (1), Nghệ An (1), Thanh Hóa (1), Bạc Liêu (1).

 

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP Hồ Chí Minh giảm 1.266 ca, Tây Ninh giảm 33 ca, Đắk Nông giảm 29 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương 214 ca, Tiền Giang 45 ca, Đồng Nai 43 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 736.972 ca nhiễm, đứng thứ 46/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.489 ca nhiễm).

 Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4) đến nay, cả nước ghi nhận 732.492 ca, trong đó có 500.680 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn. Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.

Về tình hình điều trị, hôm nay có 12.371 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.873 ca, trong đó thở ô xy qua mặt nạ là 2.946 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 1.016 ca; thở máy không xâm lấn là 125 ca; thở máy xâm lấn là 755 ca; ECMO là 31 ca.

Về tình hình xét nghiệm, 24 giờ qua cả nước đã thực hiện 176.138 xét nghiệm cho 422.688 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ ngày 27-4 đến nay đã thực hiện 17.615.727 mẫu cho 50.727.067 lượt người.

Về tình hình tiêm chủng, trong ngày 23-9 có 593.903 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 36.793.910 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 29.534.498 liều, tiêm mũi 2 là 7.259.412 liều.

203 ca tử vong do Covid-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 24-9, ghi nhận 203 ca tử vong. Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh (140), Bình Dương (30), Đồng Nai (15), Long An (7), Cần Thơ (3), An Giang (2), Trà Vinh (1), Đà Nẵng (1), Kiên Giang (1), Bến Tre (1), Bạc Liêu (1), Thanh Hóa (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 226 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.220 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Tối 24-9, Hà Nội ghi nhận 2 ca mắc Covid-19

Tối 24-9, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 12 giờ ngày 24-9 đến 18 giờ ngày 24-9, thành phố ghi nhận 2 ca mắc mới trong đó có một ca tại công đồng, một tại khu phong tỏa tại quận Long Biên và Thanh Oai.

 

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4), thành phố là 3.961 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.601 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.360 ca.

Tính đến 18 giờ ngày 23-9, thành phố có tổng số 654 điểm phong tỏa, trong đó số điểm đang còn phong tỏa là 28. Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, hiện tổng số bệnh nhân đã điều trị khỏi là 2.987 trường hợp và 33 người tử vong do Covid-19. Ngoài ra, hiện còn 560 ca dương tính đang điều trị tại 5 bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô và 2 cơ sở cách ly, điều trị.

Về công tác tiêm chủng, thành phố được phân bổ hơn 6,16 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó số vaccine đã tiếp nhận là hơn 5,96 triệu liều. Đến 18 giờ ngày 23-9, các quận, huyện, thị xã và các bệnh viện trung ương trên địa bàn thành phố đã triển khai tiêm được hơn 6,5 triệu mũi, bao gồm hơn 5,7 triệu mũi 1 (đạt 95,3% dân số trên 18 tuổi và 69,1% tổng dân số Hà Nội); tiêm được hơn 782 nghìn mũi 2 (đạt 13% dân số trên 18 tuổi và đạt 9,42% tổng dân số).

Bệnh nhân 92 tuổi có bệnh nền được công bố khỏi bệnh

Cụ bà Nguyễn Thị Đức (92 tuổi) là bệnh nhân cao tuổi nhất điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai vừa được xuất viện trong niềm vui của các thầy thuốc và gia đình.

Cụ bà 92 tuổi (thứ 2 từ bên trái) được Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh cho xuất viện. Ảnh: Bộ Y tế 

Bệnh nhân phát hiện mắc Covid-19 vào ngày 12-8, được theo dõi và điều trị tại nhà nhưng tình trạng bệnh trở nặng, khó thở nhiều hơn nên đã được chuyển tới Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai ngày 19-8. Bệnh nhân được hỗ trợ thở oxy mask, điều trị bằng thuốc kháng virus, corticoid, kháng sinh, dinh dưỡng.

Là người trực tiếp điều trị và theo dõi từng diễn biến của bệnh nhân, bác sĩ Hoàng Công Tùng cho biết, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, các y, bác sĩ tại trung tâm gặp rất nhiều khó khăn do bệnh nhân cao tuổi, lại có nhiều bệnh nền: Tăng huyết áp, đái tháo đường. Bệnh nhân xuất hiện rối loạn đường máu nặng do thuốc kèm theo lẫn, tiểu tiện không tự chủ do rối loạn cơ tròn.

Nhờ được chăm sóc chu đáo, theo dõi sát sao, tình trạng khó thở của cụ giảm dần. Bệnh nhân được chuyển hỗ trợ thở bằng oxy mask sang oxy kính và có thể tự thở (không cần hỗ trợ oxy) từ ngày 20-9. Bệnh nhân được xuất viện ngày 22-9 trong niềm vui của các thầy thuốc và gia đình.

TP Hồ Chí Minh rút ngắn thời gian tiêm giữa 2 mũi đối với vaccine AstraZeneca còn 6 tuần

Ngày 24-9, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn khẩn về rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca.

Tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế 

Trong công văn, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã có ý kiến chỉ đạo, thống nhất đề xuất của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vaccine AstraZeneca.

Như vậy, Thành phố sẽ cho phép người tiêm mũi 1 bằng loại vaccine AstraZeneca sẽ tiếp tục tiêm mũi 2 bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer sau thời gian tối thiểu là 6 tuần.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng khi thực hiện tiêm vaccine mũi 2 cho các trường hợp nêu trên nhưng phải thông tin đầy đủ, giải thích rõ hiệu lực bảo vệ theo các thời điểm tiêm mũi 2, tính an toàn về khoảng cách tiêm mũi 2 để người dân biết và đồng thuận tham gia.

Phú Thọ cử 52 cán bộ y tế hỗ trợ Bình Dương chống dịch

Ngày 24-9, tỉnh Phú Thọ tổ chức gặp mặt 52 bác sĩ, kỹ thuật viên của các Bệnh viện, Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh đã lên đường hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương. 

Đây là đoàn công tác thứ 9 của tỉnh với gần 1.000 cán bộ y tế cử đi hỗ trợ các tỉnh, thành phố để phòng chống dịch. Đoàn đi Bình Dương lần này thay thế cho đoàn cán bộ y tế của tỉnh đang hỗ trợ, làm việc tại tỉnh Bình Dương trước đó.

Giao nhiệm vụ cho đoàn công tác, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc biểu dương tinh thần xung phong, hăng hái lên đường tham gia hỗ trợ tỉnh Bình Dương chống dịch của những người làm công tác y tế tỉnh. Đồng thời yêu cầu, các thành viên đoàn công tác chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; tích cực phối hợp đoàn công tác của tỉnh đang hỗ trợ trong đó để bàn giao, sắp xếp công việc phù hợp, khoa học và thực hiện theo sự phân công của chính quyền địa phương. Mỗi thành viên đoàn công tác nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được tỉnh giao. 

Xét nghiệm Covid-19. Ảnh: vtv.vn 

Hà Nam thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường điều trị bệnh nhân Covid-19

UBND tỉnh Hà Nam vừa có quyết định về việc thành lập Bệnh viện dã chiến số 1.

Theo đó, Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh Hà Nam được thành lập tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cơ sở 2 phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, với quy mô 300 giường bệnh, có chức năng tổ chức thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Bệnh viện có nhiệm vụ khám, điều trị cho người bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo mô hình tháp 3 tầng (tại Quyết định số 4111/QĐ-BYT ngày 26-8-2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng); chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Bệnh viện dã chiến số 1 dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc và sử dụng con dấu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.

 UBND tỉnh Hà Nam giao Giám đốc Sở Y tế quyết định việc điều động, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh giữ chức vụ Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng, Phó các bộ phận của Bệnh viện dã chiến số 1; phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Bệnh viện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các văn bản có liên quan; bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật cho bệnh viện.

THÁI SƠN