Số ca mắc, tử vong do Covid-19 liên tục giảm tại nhiều tỉnh, thành phố
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 23-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong 7 ngày qua, cả nước ghi nhận 73.253 trường hợp mắc mới Covid-19, giảm 10,6%; số tử vong trong tuần giảm 15,8% so với tuần trước đó…
Đợt dịch thứ 4 đến ngày 22-9, cả nước đã ghi nhận khoảng 714.000 ca mắc, 484.000 người đã khỏi bệnh (68%) và 17.700 ca tử vong; có 17/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 4 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có một tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng). Trong đó, tỷ lệ mắc ở nhóm tuổi 0-2 tuổi là 2,3%; nhóm tuổi 3-12 là 8,6%; nhóm tuổi 13-17 là 5,6%; nhóm tuổi 18-49 là 61,6%; nhóm tuổi 50-65 là 15,6%; nhóm tuổi trên 65 trở lên là 6,3%.
 |
Bác sĩ Tô Hoàng Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị hướng dẫn đặt nội khí quản cho bệnh nhân suy hô hấp. Ảnh: Bộ Y tế |
Số tử vong trong tuần giảm 15,8% so với tuần trước đó; riêng TP Hồ Chí Minh giảm 18,4%, Bình Dương giảm 3%, Đồng Nai giảm 6,4%, Long An giảm 10%. Nhóm tuổi 0-17 chiếm 0,4% số tử vong, nhóm tuổi 18-49 chiếm 13,8%; nhóm tuổi 50 -64 chiếm 35,4%; nhóm trên 65 tuổi chiếm 50,4%.
Tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số mắc trong 7 ngày gần đây giảm 10,7% so với 7 ngày trước (trong đó có Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An).
Nhận định tình hình dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên phạm vi cả nước tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực; trong 2 tuần gần đây, số mắc cộng đồng và tử vong liên tiếp giảm. Hai tỉnh An Giang, Kiên Giang vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch mới. Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế phù hợp với năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, diễn biến và kết quả công tác phòng, chống dịch; đồng thời đảm bảo đặt sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết.
Hà Nội yêu cầu đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh đúng theo nguyên tắc chỉ đạo của UBND thành phố.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm tiêu chí bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp theo quy định của Bộ Y tế; rà soát, tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị cũng là yêu cầu được Sở Y tế đặt ra cùng việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho cán bộ, nhân viên đơn vị và người bệnh, người chăm sóc người bệnh điều trị tại bệnh viện.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị chủ động sắp xếp, xây dựng phương án bố trí nhân lực để đáp ứng công tác khám, chữa bệnh thường xuyên và phục vụ phòng, chống dịch tại đơn vị trong tình hình mới. Mặt khác, sẵn sàng nhân lực thay thế phục vụ công tác khám, chữa bệnh trong trường hợp đơn vị có khu vực, khoa, phòng bị cách ly, phong tỏa do dịch Covid-19...
Ngày 23-9, UBND quận Thanh Xuân cho biết đang triển khai phương án đón công dân ở ngõ 328, 330 đường Nguyễn Trãi đang cách ly tại Ký túc xá Trường Đại học FPT và Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức An ninh - Quốc phòng (Đại học Quốc gia Hà Nội) về nơi cư trú.
Trước đó, quận Thanh Xuân đã đưa 1.164 công dân ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) đi cách ly tập trung. Sau thời gian cách ly tập trung 21 ngày, UBND quận sẽ tổ chức đón công dân trở về theo quy định.
Cùng với đó, các cơ sở khám, chữa bệnh tiến hành rà soát, tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị. Đồng thời, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho cán bộ, nhân viên đơn vị và người bệnh, người chăm sóc người bệnh điều trị tại bệnh viện. Bổ sung phương án, kịch bản phòng, chống dịch tại đơn vị, sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh mắc Covid-19 và đáp ứng mọi tình huống khi dịch bệnh xảy ra.
 |
Đảm bảo an toàn phòng dịch tại các cơ sở y tế. Ảnh: TTXVN |
Tăng cường thanh kiểm tra, giám sát giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm PCR
Bộ Y tế vừa gửi văn bản tới sở y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc về việc tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19.
Để thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phỏng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế, từng bước kiểm soát tinh hình dịch Covid-19 trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế; thực hiện xét nghiệm bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng nơi tránh lạm dụng, lãng phí; triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 kịp thời, an toàn, hiệu quả…
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương và các đơn vị thuộc Bộ kiểm tra, giám sát khắc phục ngay những tồn tại liên quan đến công tác phòng, chống dịch, nhất là việc tổ chức xét nghiệm và tiêm vaccine phòng Covid-19.
Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn và trong từng đơn vị; việc thực hiện tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống Covid-19.
Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19; việc sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch nhằm phòng tránh việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
30 ngày giành giật sự sống cho bệnh nhân suy hô hấp nặng vì mắc Covid-19
Sau hơn một tháng chiến đấu, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã cứu được một bệnh nhân nam trẻ nhiễm Covid-19 từng rơi vào suy hô hấp rất nặng, sốc nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân N.K.B (sinh năm 1985) nhập viện ngày 12-8 trong tình trạng suy hô hấp, phải thở máy hỗ trợ HFNC, nhưng ngay sau đó tình trạng suy hô hấp tiến triển nặng lên nhanh chóng.
 |
Bệnh nhân đã hồi phục sau một tháng. Ảnh: Bộ Y tế |
Bác sĩ kíp trực Hồi sức 2, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, TP Hồ Chí Minh kể lại, ngay tối 12-8, khi kíp trực đang đi buồng thì phát hiện bệnh nhân Bình bị mất ý thức, dần đi vào hôn mê. Ngay lập tức, các bác sĩ đã phải bóp bóng hỗ trợ, nhưng lượng ô-xy chỉ cải thiện hơn một chút.
Trước tình hình bệnh nhân diễn biến nặng lên và quyết tâm cứu cho được vì bệnh nhân còn quá trẻ, các bác sĩ quyết định đặt ống nội khí quản rồi cho bệnh nhân thở máy. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân diễn biến qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm, có những lúc lượng ô-xy trong máu tụt rất sâu, toan hô hấp nặng và cũng có lúc bị sốc nhiễm khuẩn…
Sau quãng thời gian chiến đấu gần một tháng trời, tình trạng tổn thương phổi của bệnh nhân giảm dần, cắt được vận mạch, kháng sinh.
Sau gần 1 tháng điều trị tích cực, đến ngày 4-9, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, hiện tại bệnh nhân chỉ cần hỗ trợ thở bằng ô-xy kính. Ngày 18-9, các bác sĩ hội chẩn và đánh giá còn tình trạng xơ phổi, cần thêm thời gian để phục hồi chức năng hô hấp.
Ngày 22-9, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, cơ lực đang phục hồi dần nên bệnh nhân được chuyển về tuyến dưới để tiếp tục tập phục hồi chức năng.
8 trường mầm non tại Hà Nam được trưng dụng làm khu cách ly tập trung
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Phủ Lý đã quyết định chọn 8 cơ sở giáo dục trên địa bàn làm nơi cách ly tập trung cho gần 650 công dân thuộc diện F1, gồm: Trường mầm non Hoa Sen (116 công dân), Trường mầm non Hai Bà Trưng (74 công dân), trường Mầm non Trần Hưng Đạo (130 công dân), Trường Mầm non Lam Hạ (43 công dân), Trường mầm non Lương Khánh Thiện (66 công dân), Trường mầm non Liêm Chính (90 công dân), Trường mầm non Lê Hồng Phong (120 công dân)…
Trong số các F1 đi cách ly tập trung có hơn 500 người là học sinh các trường mầm non, Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố Phủ Lý.
Các trường được chọn làm điểm cách ly tập trung đã sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ các phòng học, phòng bộ môn để chuẩn bị đón công dân. Mỗi điểm trường (khu cách ly) cử từ 3 đến 5 giáo viên không liên quan đến các ca Covid-19 phối hợp với các nhân viên y tế và quân đội tham gia công tác hậu cần.
Hải Dương thông báo tìm người liên quan đến ca mắc Covid-19
Liên quan đến ca nhiễm Covid-19 N.T.B. ở thôn Nghiên Phấn, xã Gia Xuyên (TP Hải Dương), Công an huyện Gia Lộc vừa có thông báo khẩn, đề nghị những ai đến 4 địa điểm sau nhanh chóng khai báo y tế:
- Cửa hàng xăng dầu Tân Bình, xã Gia Tân (Gia Lộc), từ 16 giờ ngày 1-9 đến 8 giờ ngày 18-9; cửa hàng sửa chữa xe, làm lốp của anh Trương Đình Huỳnh, xã Gia Tân (Gia Lộc), cạnh cửa hàng xăng dầu Tân Bình, từ 15 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút ngày 17-9; cửa hàng bán hoa của chị Nguyễn Thị Luyến, thôn Hoàng Kim, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) từ 9 giờ đến 9 giờ 30 phút ngày 21-9; cửa hàng tạp hóa của chị Đoàn Thị Dịu, thôn Vân Am, xã Yết Kiêu từ 10 giờ - 10 giờ 15 ngày 21-9.
Trước đó, Công an TP Hải Dương cũng phát đi thông báo khẩn tìm người đến những nơi có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố.
VƯƠNG THÚY