Thêm một ca mắc mới liên quan đến chùm ca bệnh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 4-10 đến 6 giờ ngày 5-10, thành phố ghi nhận một bệnh nhân tại quận Hoàn Kiếm liên quan đến chùm ca bệnh Bệnh viện Việt Đức.

Cụ thể bệnh nhân L.T.H.M, nữ, sinh năm 1972; địa chỉ: Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ngày 22-9, bệnh nhân đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức khám sau đó ra ngoài thuê trọ. Ngày 1-10 khu vực nhà trọ có bệnh nhân dương tính và bị phong tỏa. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân T.M.C. Ngày 1-10 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính. Ngày 4-10 được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4) đến nay, thành phố ghi nhận  4.011 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.603 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.408 ca.

Liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tính đến 18 giờ ngày 4-10, Hà Nội đã lấy được 16.850 mẫu xét nghiệm, gồm: Nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc hiện đang trong bệnh viện, khu vực dân cư xung quanh bệnh viện, người về từ bệnh viện, trong đó có 15.478 mẫu đã có kết quả, qua đó phát hiện 33 ca dương tính (gồm 31 ca trong bệnh viện và 2 ca ở khu vực dân cư xung quanh bệnh viện).

Hiện, Trung tâm Phẫu thuật đại trực tràng tầng sinh môn (tầng 7 nhà D) của bệnh viện ghi nhận nhiều ca mắc nhất, với 24 ca; Khoa Phẫu thuật tiêu hóa có 11 ca, Khoa Ung bướu (tầng 8, nhà D) có 2 ca; 3 ca còn lại ở nhà ăn bệnh viện, Khoa Hồi sức tích cực và cửa hàng đối diện cổng viện.

Những ca F0 liên quan đến bệnh viện được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội đã được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Ngoài ra, các F1 tại bệnh viện này cũng đã di chuyển đến địa điểm cách ly tập trung của Hà Nội từ rạng sáng 3-10 (khoảng 150 người).

Hiện, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức còn 1.054 bệnh nhân, 1.018 người nhà, hơn 1.000 nhân viên y tế trong khuôn viên bệnh viện. Trong ngày hôm nay (5-10), bệnh viện sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lấy mẫu xét nghiệm lần 3 tất cả những trường hợp này.

TP Hồ Chí Minh đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 tại 17 địa bàn

Tại buổi họp báo định kỳ chiều 4-10 nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, từ cuối tháng 9 đến nay, số bệnh nhân mắc Covid-19 có xu hướng giảm. Đặc biệt, đã có 17 quận, huyện đề nghị công bố đã kiểm soát được dịch bệnh.

Lấy mẫu xét nghiệm kháng thể cho người dân tại phường 2, quận Phú Nhuận. Ảnh: tuoitre.vn 

Cụ thể, những ngày đầu tiên sau giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang có những tín hiệu lạc quan khi số ca mắc và thu dung điều trị mỗi ngày có xu hướng giảm ở tất cả các tầng, số ca tử vong cũng tiếp tục giảm. Nếu trước ngày 30-9, Thành phố ghi nhận trung bình hơn 4.000 ca mắc mới mỗi ngày thì từ 1-10 đã bắt đầu đi xuống và thấp nhất là ngày 3-10 với 2.461 ca. Số ca mắc mới giảm kéo theo số ca nhập viện điều trị cũng giảm dần, đến ngày 3/10 chỉ thu dung 1.631 trường hợp. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, biểu đồ số ca xuất viện đang đi lên, từ hơn 2.000 ca mỗi ngày đã tăng cao lên và đạt 4.069 trường hợp ở ngày 3-10. Kèm theo đó là số ca bệnh nặng (người bệnh cần thở oxy và thở máy) ở các tầng điều trị đang giảm, song song với số ca tử vong cũng giảm xuống dưới 2 con số, gần nhất là ngày 2-10 có 79 ca tử vong và 3/10 với 93 ca. 

Theo ông Phạm Đức Hải, tính đến nay thành phố đã có 17 địa bàn được đề nghị công bố kiểm soát được dịch bệnh. Những khu vực đã đạt các tiêu chí kiểm soát được dịch Covid-19 gồm: TP Thủ Đức, quận 1, 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình, huyện Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ. 

Ngoài ra, trong 3 ngày qua có 5.279 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị nguồn nhân lực, máy móc thiết bị để chuẩn bị hoạt động trở lại. Các quận, huyện hiện đang làm việc với các cơ sở sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện cho các đơn vị này.

2 bệnh nhân Covid-19 nguy kịch hồi sinh ngoạn mục

Theo tin từ Trung tâm Hồi sức Covid-19 Trung ương ở Long An (trực thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), 2 bệnh nhân mắc Covid-19 nguy kịch phải thở máy xâm nhập vừa cứu sống và hồi sinh một cách kỳ diệu.

Trường hợp thứ nhất là một sản phụ ở TP Tân An, tỉnh Long An đã được mổ lấy thai tại Bệnh viện Đa khoa Long An và điều trị Covid-19 tại đây. Tuy nhiên, sản phụ diễn biến mỗi ngày mỗi nặng. Ngày 14-9, bệnh nhân được chuyển tới Trung tâm Hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. 

Nam bệnh nhân đã hồi sinh kỳ diệu sau khi phải thở máy, 5 lần lọc máu. Ảnh: Minh Tâm

BSCKI Vũ Thành Long (Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho biết: Sản phụ được can thiệp thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục, điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Sau một thời gian điều trị tích cực, người bệnh đã có những chuyển biến thần kỳ.

Sau khi rút ống thở, thở ôxy, sức khỏe chuyển biến dần tốt, sản phụ đã tự thở khí trời. Dưới sự hỗ trợ tích cực của điều dưỡng trong kịp trực, chị đã có thể tập đi những bước chân đầu tiên sau nhiều ngày nằm trên giường bệnh. 

Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân sinh năm 1980, ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 21 với biểu hiện sốt, ho, khó thở, ngày 19-8, bệnh nhân được chuyển tuyến tới Trung tâm Hồi sức Covid-19 Trung ương tại Long An.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Tuệ (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho biết, các bệnh nhân chuyển tuyến trong tình trạng suy hô hấp, đáp ứng chậm với máy thở không xâm nhập, bệnh nhân có diễn biến nặng và nguy cơ tử vong rất cao. Để cứu chữa, chúng tôi đã tiến hành đặt ống nội khí quản, tiếp tục cho bệnh nhân thở máy, mở khí quản, thực hiện 5 cuộc lọc máu liên tục kết hợp sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị.

Bằng tất cả sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ, sau hơn một tháng, phép màu đã đến, bệnh nhân đã cai được máy thở, rút được ống nội khí quản và hiện đang thở ôxy kính. 

Người dân có thể cách ly tại nhà khi đi lại giữa các tỉnh

Trước thực tế nhiều tỉnh, thành đang áp dụng các biện pháp xét nghiệm, cách ly khác nhau với người dân di chuyển vào địa bàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, mỗi địa phương có những đặc thù và tình hình dịch bệnh riêng. Vì vậy, các tỉnh, thành có thể đưa thêm quy định để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, nhưng tối thiểu phải đáp ứng các điều kiện mà Bộ Y tế đã hướng dẫn. Người dân di chuyển từ tỉnh này đến tỉnh khác, không phải cách ly tập trung mà được cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Như vậy, việc áp dụng biện pháp xét nghiệm, cách ly cụ thể còn tùy thuộc vào quy định của địa phương. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các tỉnh, thành khi áp dụng biện pháp chống dịch phải căn cứ theo quy định khung của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương thanh tra việc nhập khẩu, mua sắm test kit Covid-19

Bộ Y tế có công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại test kít xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch đã từng bước được kiểm soát, cuộc sống của nhân dân dần trở lại trạng thái bình thường mới. Bên cạnh việc triển khai các hoạt động chuyên môn, như: "5K", tiêm vắc xin thì các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong các khâu của công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Đảng và Chính phủ quan tâm ngay từ khi dịch bùng phát.

Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn 

Bộ Y tế đã có nhiều công văn nhắc nhở các địa phương, đơn vị thực hiện có hiệu quả và tiết kiệm cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phòng, chống dịch. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và một số cơ quan truyền thông, giá mua bán các loại test xét nghiệm kháng nguyên nhanh, xét nghiệm RT-PCR và giá dịch vụ các loại xét nghiệm Covid-19 có một số hiện tượng như giá xét nghiệm cao hơn so với thực tế, không thống nhất, nhiều cơ sở xét nghiệm thu cao, đặc biệt là tại khu vực y tế tư nhân...

Để phát hiện và xử lý những hành vi liên quan đến việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi và nâng giá, lợi ích nhóm, Bộ Y tế đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế quán triệt các đơn vị trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về giá dịch vụ chẩn đoán Covid-19.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương giao cơ quan thanh tra thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cơ sở nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng chống dịch, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19… Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngày hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định. 

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chuyển 100 bệnh nhân sang Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

Tối 4-10, những bệnh nhân đầu tiên tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp tục điều trị bệnh. Tất cả các bệnh nhân này đều đã có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 2 lần bằng phương pháp RT-PCR.

Theo đó, 100 bệnh nhân và 96 người nhà bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Tất cả đều được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, khẩu trang, khử khuẩn đúng quy định và được vận chuyển bằng xe cấp cứu có nhân viên y tế. Công tác vận chuyển được triển khai thận trọng bảo đảm cả 2 yếu tố: An toàn cho người bệnh và an toàn phòng chống dịch.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã chuẩn bị riêng khu nhà C làm khu điều trị cách ly để tiếp nhận bệnh nhân và người nhà bệnh nhân từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Các bệnh nhân thuộc các khoa ngoại tổng hợp, ngoại chấn thương, ngoại thần kinh. Dự kiến, trong những ngày tới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp tục chuyển bệnh nhân tới các bệnh viện khác của Hà Nội.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã nhận được công văn của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về việc đề nghị hỗ trợ việc thu dung, tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân tại bệnh viện này để bảo đảm công tác phòng chống dịch được triệt để mà không gián đoạn việc chữa trị cho người dân. 

THÁI SƠN