Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh (2.365), Bình Dương (1.032), Tây Ninh (194), Đồng Nai (164), Long An (146), Đà Nẵng (93), Bình Thuận (77), Vĩnh Long (60), Cần Thơ (37), Phú Yên (28), An Giang (24), Bình Định (23), Hà Nội (19), Đồng Tháp (14), Bạc Liêu (4), Đắk Nông (4), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1) trong đó có 1.044 ca trong cộng đồng.

 

Tính đến sáng 4-8, Việt Nam có 174.461 ca nhiễm, trong đó có 2.328 ca nhập cảnh và 172.133 ca mắc trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 170.563 ca, trong đó có 48.057 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Bình. Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.

Trong ngày 3-8, có 405.884 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 7.291.808 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 6.547.477 liều, tiêm mũi 2 là 744.331 liều.

* Cũng trong sáng 4-8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 3-8 đến 6 giờ ngày 4-8, Hà Nội ghi nhận 19 ca mắc mới trong đó, 12 ca tại cộng đồng, 7 ca khu cách ly. Cụ thể, có 2 ca bệnh thuộc chùm ho sốt cộng đồng; 14 ca bệnh thuộc chùm ho, sốt thứ phát; 2 bệnh nhân thuộc chùm ca bệnh liên quan 95 Láng Hạ - Đống Đa và một bệnh nhân liên quan Bắc Giang tại Công ty SEI là N.T.T., nữ, sinh năm 1985. Địa chỉ: Nam Hồng, Đông Anh. 

Như vậy từ ngày 27-4 đến nay Hà Nội ghi nhận 1.429 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 864 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 565 ca.

Bộ Y tế phân bổ 1,8 triệu liều vaccine cho TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội

Ngày 3-8, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ hơn 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, Bộ Y tế đã phân bổ thêm gần 980.000 liều vaccine cho TP Hồ Chí Minh và gần 700.000 liều cho TP Hà Nội. Ngoài ra, các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương tại TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội được cấp lần lượt 40.000 liều và 74.500 liều trong các đợt này để tiêm cho người dân trên địa bàn. 

Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh là địa phương được phân bổ nhiều nhất với 4.075.270 liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 29%. Tiếp theo, TP Hà Nội đã được phân bổ 2.943.770 liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 26%.

Hướng dẫn về tiêm kết hợp 2 loại vaccine phòng Covid-19

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc về hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine phòng Covid-19.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người trên 65 tuổi tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Bộ Y tế cho biết từ tháng 3-2021 đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận nhiều loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau như AstraZeneca, Pfizer/BioNtech, Moderna, Sinopharm, Sputnik V... Qua nghiên cứu bước đầu tại một số quốc gia, đến nay, cơ quan y tế đã có bằng chứng về việc tiêm phối hợp mũi 1 là vaccine AstraZeneca và mũi 2 là vaccine Pfizer đáp ứng miễn dịch tốt. Tuy nhiên, việc tiêm trộn này có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.

Để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine từ các nguồn khác nhau, theo kinh nghiệm sử dụng vaccine của một số quốc gia, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng loại đó.

Bộ Y tế cũng yêu cầu không sử dụng vaccine do Moderna sản xuất hoặc các vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca.

Đồng thời Bộ Y  tế nêu rõ, những người đã tiêm vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

THÁI SƠN