Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh (5.294), Bình Dương (4.129), Đồng Nai (618), Long An (460), Tiền Giang (319), Đà Nẵng (162), Khánh Hòa (150), Tây Ninh (119), Bình Thuận (106), Hà Nội (96), Nghệ An (95), Đồng Tháp (93), Cần Thơ (90), Bà Rịa - Vũng Tàu (75), An Giang (50), Đắk Lắk (40), Cà Mau (28), Phú Yên (27), Trà Vinh (24), Kiên Giang (23), Bình Định (18), Hà Tĩnh (15), Quảng Nam (9), Bạc Liêu (7), Bình Phước (7), Ninh Thuận (6), Vĩnh Long (5), Đắk Nông (5), Sơn La (4), Hậu Giang (4), Sóc Trăng (4), Thanh Hóa (3), Bắc Ninh (3), Thái Bình (2), Quảng Ngãi (2), Quảng Bình (1) trong đó có 7.321 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.296 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 667 ca, Bình Dương tăng 501 ca, Đồng Nai giảm 181 ca, Long An tăng 67 ca, Tiền Giang tăng 226 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 381.363 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.879 ca nhiễm).

Về tình hình điều trị, hôm nay có 7.646 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; tổng số ca được điều trị khỏi là 169.921 ca; số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 749 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 27 ca.

Về tình hình tiêm chủng, Bộ Y tế cho biết, trong ngày 24-8 có 432.460 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 18.095.473 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.056.222 liều, tiêm mũi 2 là 2.039.251 liều. (VƯƠNG THÚY)

335 ca tử vong do Covid-19

Ngày 24-8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 335 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh (266), Bình Dương (31), Long An (16), Đồng Nai (13), Đà Nẵng (3), Hà Nội (1), Bến Tre (1), Bình Phước (1), Khánh Hòa (1), Thừa Thiên Huế (1), Tiền Giang (1). Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 25-8 là 9.349 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%). (ĐỖ LINH)

Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cử chuyên gia cấp cứu đầu ngành chi viện cho miền Nam

Bệnh viện Bạch Mai vừa quyết định cử 2 chuyên gia đầu ngành về hồi sức và cấp cứu là PGS, TS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9 và PGS, TS Đặng Quốc Tuấn, Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai vào trực tiếp đi buồng, điều hành chuyên môn tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại BV dã chiến 16, TP Hồ Chí Minh.

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thế Anh 

Phát biểu tại lễ xuất quân đoàn chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu lên đường chi viện TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19, GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: Với mục tiêu tối thượng là chung tay cùng TP Hồ Chí Minh chiến thắng dịch bệnh, giảm số ca tử vong, Bệnh viện Bạch Mai đã cử đoàn y bác sĩ gần 500 người gồm đầy đủ các chuyên ngành Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Tim mạch, Hô hấp, Thần kinh… Đây đều là những người đã có kinh nghiệm tại các "chiến trường" từ Sơn Lôi, Hải Dương đến Bắc Giang, Bắc Ninh. Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cử 1.500 sinh viên và thầy cô Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm, truy vết F0.

Các bệnh nhân chuyển từ các tuyến đến Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh đa phần là những bệnh nhân rất nặng, nguy kịch, cần hỗ trợ hô hấp ngay và luôn để cứu sống tính mạng của bệnh nhân. (MAI THANH)

Tối 25-8, Hà Nội ghi nhận 39 ca mắc Covid-19

Tối 25-8, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 25-8, Hà Nội ghi nhận 39 ca mắc mới trong đó 36 ca tại cộng đồng và 3 ca tại khu cách ly. Cụ thể các ca bệnh phân bố theo quận, huyện: Thanh Xuân (30); Thanh Trì (3); Đống Đa, Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Hoài Đức, Hoàn Kiếm (1). Như vậy tính từ 18 giờ ngày 24-8 đến 18 giờ ngày 25-8, Hà Nội ghi nhận 93 ca mắc Covid-19. (QUỐC THÁI)

Bắt đầu dùng thuốc Molnupiravir đối với F0 điều trị tại nhà

Ngày 25-8, Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng bằng thuốc Molnupiravir.

Ảnh minh họa. 

Việc đưa vào sử dụng thuốc Molnupiravir là dựa trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trong điều trị Covid-19 đã công bố tại một số quốc gia, cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Đặc biệt, thuốc giúp giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong. (THÁI SƠN)

TP Hồ Chí Minh khánh thành Trung tâm H.O.P.E chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm Covid-19

Ngày 25-8, Trung tâm H.O.P.E (Trường Mầm non Họa Mi 2, số 11 Lý Thường Kiệt, phường 12, quận 5, TP Hồ Chí Minh do Bệnh viện Hùng Vương thành lập chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm này ra đời với mục đích hỗ trợ các bé có mẹ bị nhiễm Covid-19 về cả vật chất và tinh thần trong giai đoạn chưa có gia đình đón về.

Các em bé nhiễm Covid-19 được các bảo mẫu ở trung tâm chăm sóc rất chu đáo. Ảnh: Diễm Hằng 

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 16+, các sản phụ nhiễm Covid-19 buộc phải cách ly tập trung hoặc điều trị nên trẻ bình thường đủ tháng sinh ra không có người thân chăm sóc ngày một tăng.

Hiện Trung tâm H.O.P.E đang có 25 bảo mẫu là các tình nguyện viên, do đó cần thêm người để hỗ trợ. Dự kiến những ngày tới, sẽ có thêm vài chục bé sơ sinh, sức khỏe ổn định được chuyển về Trung tâm để chăm sóc trong lúc đợi gia đình đón về. (MINH ANH)

Đưa robot vào điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng

Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Huế trong khuôn viên Bệnh viện Dã chiến 14 TP Hồ Chí Minh đã triển khai những thiết bị hiện đại nhất để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó có robot.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với sự phối hợp của TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã triển khai 4 Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 do các bệnh viện Trung ương phụ trách đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, cũng như các trung tâm còn lại, Trung tâm của Bệnh viện Trung ương Huế được chuẩn bị kỹ lưỡng về trang thiết bị và nhân lực. Các thiết bị đều rất hiện đại, vật tư y tế, thuốc men được huy động đầy đủ để điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng.

GS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: Máy thở, ô-xy, robot lẫn các thiết bị khác đã lắp đặt hoàn chỉnh và chạy thử, đáp ứng tốt nhu cầu điều trị. Tất cả y bác sĩ đều đã xác định làm việc với tinh thần cao nhất.

Hiện đã có gần 400 y, bác sĩ có mặt tại trung tâm, trong đó lực lượng chủ lực là các y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế. Bên cạnh đó còn có Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam…

Hà Nội sẽ lấy mẫu xét nghiệm ở những nơi giáp với các ổ dịch phức tạp, khu tập thể cũ

Ngày 25-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc xin ý kiến chuyên gia công tác tăng cường xét nghiệm phòng, chống Covid-19.

Cán bộ y tế phường Việt Hưng, quận Long Biên lấy mẫu xét nghiệm cho đối tượng nguy cơ cao. Ảnh: hanoimoi.com.vn 

Theo CDC Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã triển khai 2 đợt xét nghiệm diện rộng với 1.126.042 mẫu tại 30 quận, huyện, thị xã, qua đó, phát hiện 83 trường hợp dương tính. Số ca dương tính hầu hết ở các quận, huyện trọng điểm, khu vực dịch vẫn diễn biến phức tạp. Cụ thể, số ca dương tính phân bố tại 8 quận, huyện: Đống Đa (48), Hoàng Mai (14), Hoài Đức (6), Hà Đông (6), Hoàn Kiếm (4), Thanh Trì (3), Hai Bà Trưng (1), Thanh Oai (1).

Ngoài ra, các trường hợp dương tính được phát hiện trong 2 đợt lấy mẫu diện rộng được phân bố theo các khu vực, đó là khu vực nguy cơ cao (69), khu vực phong tỏa (11) và đối tượng nguy cơ cao (3), cho thấy dịch vẫn tập trung tại các quận trọng điểm, các ổ dịch đã được phát hiện. Nguyên nhân do có sự giao lưu, F0 xâm nhập vào.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần thực hiện tốt công tác lấy mẫu xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu phát hiện F0 tại cộng đồng; đồng thời, đánh giá lại khu vực nguy cơ; đánh giá thêm về khu vực nguy cơ, đối tượng nguy cơ theo dịch tễ.

* Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 quận Thanh Xuân cũng đã phát đi thông báo tìm người đã đến ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) trong khoảng thời gian từ ngày 17-8 đến ngày 24-8.

Tất cả những người từng đến địa điểm đã nêu trong khoảng thời gian trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế phường Thanh Xuân Trung (điện thoại: 0243.858.6236; 0983.471.105) và Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân (điện thoại: 0248.582.3468; 0912.495.783) để được hướng dẫn. (MINH CHÂU)

Không cách ly tập trung với trẻ dưới 16 tuổi là F1

Ngày 25-8, Bộ Y tế có công văn về cách ly phòng, chống Covid-19 đối với trẻ em gửi các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố. Công văn này thay thế cho Công văn số 897/BYT-MT ban hành ngày 7-2-2021 về việc hướng dẫn cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi.

Cụ thể, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ được đi cùng trẻ em đến cơ sở y tế, cơ sở thu dung điều trị Covid-19, cơ sở cách ly tập trung hoặc được ở cùng với trẻ em tại nơi cách ly tại nhà, nơi lưu trú để chăm sóc trẻ và phải có cam kết tự nguyện cách ly cùng trẻ em và thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thể đi cùng, ở cùng để chăm sóc trẻ thì chính quyền địa phương bố trí người chăm sóc cho trẻ, hoặc chỉ định cán bộ trong cơ sở điều trị, cơ sở cách ly tập trung hoặc người tình nguyện chăm sóc trẻ và người đó phải có kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, hỗ trợ trẻ em và bảo đảm đủ điều kiện theo quy định. Cùng với đó, bảo đảm trẻ em được duy trì liên lạc thường xuyên với gia đình, người thân để giảm tối đa sự khủng hoảng, căng thẳng, lo âu của trẻ em.

Đối với trường hợp trẻ em dưới 18 tuổi là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam cùng cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, nếu tất cả được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh, có kết quả xét nghiệm âm tính thì được cách ly tập trung 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày tiếp theo theo quy định.

Đối với trẻ em chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng Covid-19, bố mẹ hoặc người chăm sóc tiêm đủ vaccine và có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính thì trẻ cũng được cách ly tập trung 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh, thực hiện cách ly tại nhà trong 7 ngày tiếp theo và tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 28 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Trường hợp cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng Covid-19, trẻ em thực hiện cách ly tập trung 14 ngày cùng, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày tiếp theo. (SƠN ANH)

160 bệnh nhân chạy thận nhân tạo được tiêm vaccine phòng Covid-19

Sáng 25-8, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) tiêm vaccine phòng Covid-19 miễn phí cho 160 bệnh nhân đang điều trị thận nhân tạo tại Khoa Nội thận tiết niệu.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho bệnh nhân chạy thận. Ảnh: vtv.vn 

BSCKII Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, thấu hiểu đặc thù bệnh nhân chạy thận nhân tạo có nguy cơ nhiễm bệnh cao, đa số người bệnh đều có hoàn cảnh khó khăn, chưa có cơ hội tiem vaccine Covid-19 phòng bệnh. Bệnh viện đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội chức tiêm phòng miễn phí cho bệnh nhân với mong muốn giúp người bệnh loại bỏ nỗi lo và phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. (THÁI SƠN)

Gần 300 cán bộ, chiến sĩ tăng cường hỗ trợ Nha Trang phòng, chống dịch

Chiều ngày 25-8, UBND TP Nha Trang, Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị giao nhiệm vụ cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Nha Trang.

Lãnh đạo TP Nha Trang và Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa động viên trao đồ bảo hộ cho cán bộ, chiến sĩ. 

Theo đó lực lượng tăng cường tham gia phòng, chống dịch cho Thành phố Nha Trang đợt này là gần 300 cán bộ, chiến sĩ đến từ các đơn vị gồm: Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa, Bộ Chỉ huy BĐBP Khánh Hòa, Trường Sĩ quan Thông tin, Trường Sĩ quan Không quân, Trường Trung cấp Kỹ thuật Miền Trung (Tổng cục Kỹ thuật)… Lực lượng có nhiệm vụ tham gia chốt chặn, chốt phong tỏa, truy vết, cung ứng lương thực, thực phẩm, tuyên truyền các chủ trương, đường lối quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác phòng, chống dịch như: Chỉ thị 15, 16, 19 của Chính phủ, tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế trên địa bàn TP Nha Trang. (Tin, ảnh: VĂN HẠNH)

Bộ CHQS tỉnh Sơn La phát động thi đua đặc biệt trong phòng chống, dịch Covid-19

Ngày 25-8, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Sơn La phát động Phong trào thi đua đặc biệt “Quân đội cùng cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Đại tá Hoàng Đình Tường, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Bộ CHQS tỉnh chủ trì phát động.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Sơn La quyên góp ủng hộ đồng bào miền Nam chống dịch Covid-19. 

Tại buổi phát động, cán bộ, chiến sĩ đã được thông tin những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua của LLVT tỉnh nói chung và Bộ CHQS tỉnh nói riêng. Theo đó, từ cuối năm 2019, LLVT tỉnh đã phối hợp với các địa phương thành lập 66 điểm chốt biên phòng và 20 Tổ kiểm soát dịch bệnh Bộ CHQS tỉnh với trên 670 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Bộ CHQS tỉnh tăng cường 42 đồng chí cho Bộ đội Biên phòng tỉnh và 76 cán bộ, chiến sĩ cho huyện Phù Yên thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ quyên góp, ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh với số tiền 197 triệu đồng...

Tại buổi phát động, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Nam phòng, chống dịch Covid-19, với số tiền hơn 100 triệu đồng. (Tin, ảnh: ĐỨC THỊNH)